Không chịu đựng nổi Hy Lạp, IMF bỏ họp
VOV.VN - Phái đoàn đàm phán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã rời khỏi cuộc thương lượng hôm qua ở Brussels “vì những bất đồng quá lớn với Hy Lạp”.
Hôm qua (11/6), hàng nghìn công nhân, học sinh và người hưởng lương hưu ở thủ đô Aten (Athens) của Hy Lạp đã xuống đường biểu tình vì lo ngại chính phủ của họ cuối cùng cũng phải chịu khuất phục trước các chủ nợ, gạt đi lời hứa lúc tranh cử và đưa ra những chính sách khắc khổ mới để đổi lấy khoản giải ngân 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ.
Thủ tướng Hy Lạp hôm 11/6 có cuộc gặp với phái đoàn của IMF nhưng cuộc đàm phán kết thúc bằng thất bại (ảnh: AP) |
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras lần đầu tiên giảm xuống dưới 50%.
Cuộc biểu tình ở Aten hôm qua do đảng Cộng sản Hy Lạp tổ chức đã thu hút sự tham gia của khoảng 10.000 người mang theo cờ, biểu ngữ và hô vang khẩu hiểu “Chúng tôi không thể sống với 400 euro một tháng”.
Một người hưởng lương hưu cho biết: “Lương và lương hưu đều bị cắt một nửa. Với khoản lương hưu ít ỏi này, tôi phải cưu mang con cháu thất nghiệp, hỗ trợ cả gia đình chúng. Chúng tôi không thể chờ tình hình tồi tệ hơn mới xuống đường biểu tình.”
Lãnh đạo đảng Cộng sản Hy Lạp Dimitris Koutsoubas nêu rõ, người dân đã chịu đựng quá đủ trong suốt 5 năm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng vừa qua và đã đến lúc những biện pháp khắc khổ này phải chấm dứt. Theo ông, người thất nghiệp ở Hy Lạp cần phải được hỗ trợ và lương tối thiểu cần phải trở lại mức 751 euro một tháng.
Bức tranh lao động ở Hy Lạp có thể nói là đang rất bi đát khi tỷ lệ thất nghiệp quý đầu năm nay đã tăng 0,5% so với quý trước đó, lên 26,6%. Dù đây chưa phải là tỷ lệ kỷ lục như đầu năm ngoái nhưng đáng lo ngại là có đến gần 3/4 (cụ thể 71,6%) trong số 1,27 triệu người không có việc làm ở Hy Lạp là những người thất nghiệp dài hạn, tức là trên 1 năm.
Những con số này phần nào lý giải vì sao tỷ lệ ủng hộ dành cho chính phủ liên minh của Thủ tướng Tsipras cũng không thể trụ được ở mức trên 50% nữa. Theo thăm dò dư luận do đài truyền hình Alpha tiến hành từ ngày 7 – 10/6 vừa qua, tỷ lệ người dân không hài lòng với chính phủ đương nhiệm đã lên đến 53,4%. Tuy nhiên, đảng Syriza cầm quyền vẫn giữ được vị thế dẫn đầu với 34,2% sự ủng hộ, bỏ xa đảng Dân chủ mới (ND) với 19,6%.
Phát biểu hôm qua ngay sau khi trở về từ cuộc thương lượng ở Brussels, Bỉ, Thủ tướng Tsipras cho biết: “Chúng ta đang chiến đấu trong cuộc thương lượng này và chừng nào người dân còn ủng hộ những nỗ lực của chính phủ, chúng tôi sẽ theo đuổi những yêu cầu công bằng của người dân Hy Lạp để có thể cứu vãn một thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ không chỉ là một thỏa thuận mà là một giải pháp duy trì sự cố kết của xã hội, đem lại tăng trưởng và cùng với đó là giải quyết những vấn đề tài chính trung hạn của đất nước, từ đó tạo những điều kiện bình ổn nợ.”
Thực tế, chính phủ của ông đang chịu sức ép lớn chưa từng thấy từ các chủ nợ. Phái đoàn đàm phán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã rời khỏi cuộc thương lượng hôm qua ở Brussels “vì những bất đồng quá lớn với Hy Lạp”.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Thủ tướng Tsipras nên chấm dứt việc đặtcược bằng tương lai của Hy Lạp và đưa ra những quyết định cần thiết để ngăn chặn kịch bản vỡ nợ khi phải trả 1,6 tỷ ơrô đáo hạn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế cuối tháng này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết: “Chúng tôi cần quyết định chứ không phải là tiếp tục thương lượng vào lúc này. Theo tôi chính phủ Hy Lạp cần phải thực tế hơn chút nữa. Không có chỗ và không còn thời gian cho việc đánh cược nữa. Tôi lo rằng cái ngày mà mọi người phải nói “mọi chuyện đã chấm hết” đang đến gần, đó là thực tế.”
Để cứu vãn thỏa thuận này, chính phủ Hy Lạp cần phải đưa ra được các biện pháp tiết kiệm ngân sách và tăng thu thuế để thay thế cho đề xuất của chủ nợ về cắt giảm lương hưu và tăng thuế mà Thủ tướng Tsipras đã từ chối trong cuộc gặp lần trước./.