Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm qua
VOV.VN - Trung Quốc đang đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng rất lớn. Thị trường bất động sản ảm đạm, giá thành sản phẩm quá cao.
Hôm nay (15/4), Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, trong quý 1/2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Cùng với đó là hàng loạt các chỉ số khác cho thấy kinh tế nước này đang đối mặt với áp lực giảm tăng trưởng rất lớn.
Ông Thịnh Lai Vận, Người phát ngôn Cục thống kê quốc gia Trung Quốc thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng rất lớn, nhưng vẫn cho rằng mức tăng trưởng 7% là nằm trong giới hạn cho phép.
Ông Thịnh nói: “Kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng trong quý 1 nhưng vẫn nằm trong giới hạn dự báo trước. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đi vào “trạng thái bình thường mới” thì mức tăng trưởng này là phù hợp. Do năng lực sản suất suy giảm dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng tổng thể nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang vận hành ổn định”.
Cũng trong quý 1/2015, kim ngạch xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4%, trong khi chỉ số giá thành xuất xưởng các sản phẩm công nghiệp (PPI) giảm 4,6%, là tháng thứ 37 liên tiếp ở trạng thái suy giảm.
Theo các chuyên gia, ngoài sự tác động tiêu cực bởi nền kinh tế giới phục hồi chậm chạp và tồn tại nhiều yếu tố bất ổn, còn có hai nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng.
Thứ nhất là thị trường bất động sản ảm đạm, trong 3 tháng đầu năm, diện tích nhà thành phẩm tiêu thụ giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đầu tư tài sản cố định giảm ở mức thấp kỷ lục. Thứ hai là giá thành sản phẩm sản xuất quá cao, chưa có biện pháp hoá giải mang tính thực chất, khiến hoạt động sản xuất đầu tư của các doanh nghiệp ảm đạm.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày hôm qua (14/4), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 6,8%, thấp hơn mức 7% mà chính phủ nước này đề ra cho cả năm 2015./.
>> Xem thêm: Trung Quốc bành trướng kinh tế ở châu Mỹ-Latin