Lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình Biển Đông

Nga tuyên bố phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào của các nước bên ngoài vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông.  

Ngày 20/5, lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình Biển Đông sau hơn một tháng khu vực này rơi vào căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải giữa Philippines và Trung Quốc.

Đại sứ Nga tại Manila, ông Nikolay Kudashev cho biết: “Moscow rất quan ngại về “sóng gió” gần đây ở Biển Đông. Liên bang Nga tuyên bố phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào của các nước bên ngoài vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Đây là lập trường chính thức của chúng tôi”.

Theo ông Kudashev, Nga rất lưu tâm đến việc nước này cũng như Mỹ không phải là một bên trong cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh bãi cạn Scarborough.

Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất thình lình nổi lên mặt nước cảng Subic gần Scarborough (Ảnh: Internet)

“Nếu không thận trọng, chúng ta có thể sẽ bị coi là đang can thiệp vào tình hình nội bộ của các nước có tranh chấp trong khu vực Biển Đông”, ông Kudashev nói.

Đây là lần đầu tiên một quan chức chính phủ của Nga công khai nói trực tiếp về cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Tuy nhiên, Đại sứ Kudashev đã nhanh chóng nhấn mạnh, Chính phủ Nga “không thờ ơ” trước tình hình hiện nay ở Biển Đông - khu vực rất gần biên giới Nga này. Ông Kudashev nhấn mạnh, Nga cũng như Mỹ đều “rất lo ngại” về vấn đề tự do hàng hải.

“Chúng tôi liên tục cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi là một phần của khu vực này. Chúng tôi tin các nước sẽ coi trọng hàng đầu việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Chúng tôi cần môi trường thương mại, giao thông an toàn. Điều đó là cho tất cả các nước như Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Singapore và tất cả mọi người”, Đại sứ Nga Kudashev nói thêm.

Ông Kudashev cho biết, Nga ủng hộ “các nước trong khu vực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trên cơ sở đàm phán và đối thoại”. Ông này cho rằng, các nước như Nga, Mỹ và châu Âu có thể sẽ cung cấp sự giúp đỡ về mặt pháp lý cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nếu được đề nghị.

Trong khi các nước nhỏ có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc đang tìm cách “quốc tế hóa” những cuộc tranh chấp này thì Bắc Kinh liên tục phản đối nỗ lực đó. Bắc Kinh muốn giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ của họ trên cơ sở song phương. Vì thế, Trung Quốc đã tìm mọi cách để ngăn không cho các nước bên ngoài dính líu vào Biển Đông, đặc biệt là với hai cường quốc Nga, Mỹ.

Gần đây, xu hướng hình thành liên minh đồng minh Nga – Trung Quốc ngày càng trở nên rõ nét hơn qua hàng loạt quan điểm đồng thuận giữa 2 cường quốc này đối với các vấn đề quốc tế và khu vực như cuộc khủng hoảng ở Syria hay chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đến bây giờ có thể là biển Đông.

Trước đó, hai nước vừa có cuộc tập trận chung trên biển Hoàng Hải với quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay.

Đây sẽ là một bất lợi đối với các bên tranh chấp trên biển Đông nếu như phải “đơn thương độc mã” đối phó với Trung Quốc. Nếu như một kịch bản tương tự như Scarborough tiếp tục xảy ra trong tương lai thì chiến lược thôn tính biển Đông của Bắc Kinh chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hiện tại, trên các phương tiện truyền thông, hầu như mọi con mắt đang đổ dồn về phía Mỹ chờ đợi một dấu hiệu chính thức cho sự cân bằng cán cân lực lượng trên biển Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên