Liên Hợp Quốc ráo riết tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu
VOV.VN - Trong kỳ họp từ 19-26/9, lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tập trung bàn thảo xử lý các vấn đề nóng như xung đột, tị nạn, môi trường ...
Trong kỳ họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 71 diễn ra từ ngày 19 - 26/9. Ngày 20/9, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã tuyên bố khai mạc kỳ họp này bằng việc đưa ra cảnh báo về những nguy cơ và thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Mở đầu kỳ họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 71 là Hội nghị về xử lý dòng người di cư và tị nạn được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Hiện có 50 quốc gia cam kết tiếp nhận 360.000 người tị nạn trong năm nay, tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã tuyên bố khai mạc kỳ họp kỳ họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (ảnh: Reuters). |
Hội nghị thống nhất đặt ra ba mục tiêu cụ thể, bao gồm: Thuyết phục cộng đồng quốc tế tăng 30% nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động nhân đạo trên thế giới, từ 10 tỷ USD trong năm 2015 lên 14,5 tỷ USD trong năm nay; Tăng gấp đôi số ca được tái định cư và tìm kiếm những con đường hợp pháp mới để tiếp nhận người tị nạn, đồng thời tăng số quốc gia chấp nhận số lượng đáng kể người tị nạn; Tăng số người tị nạn được đến trường trên toàn cầu thêm 1 triệu người và số người tị nạn được phép đi làm cũng tăng thêm 1 triệu người.
Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.
Từ nay đến hết ngày 26/9 tới, một loạt các chủ đề nóng và các thách thức toàn cầu khác cũng dự kiến sẽ được nêu bật tại kỳ họp cấp cao lần này, bao gồm: những tiến triển trong tiến trình giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và tình trạng căng thẳng leo thang tại châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông, nỗ lực duy trì đà thực thi những mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề chống biến đổi khí hậu, an ninh hạt nhân, an ninh nguồn nước....
Đáng chú ý, trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 20/9, ông Obama đã đề cập nhiều vấn đề lớn của thế giới. Khủng hoảng Syria “nóng” tại Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Chủ đề nóng đầu tiên được đề cập là tranh chấp ở Biển Đông. Nhà lãnh đạo này bày tỏ quan ngại rằng viễn cảnh về một giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại biển Đông đang ngày càng xa vời do những tranh cãi xung quanh các bãi đá và rạn san hô trong khu vực.
Một vấn đề nhức nhối khác cũng khiến chính quyền ông Obama đau đầu trong suốt thời gian qua là mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Ông Obama kêu gọi Palestine chấm dứt các hành vi kích động bạo lực, đồng thời hối thúc Israel thừa nhận thực tế rằng họ không thể chiếm đóng và định cư vĩnh viễn trên đất của người Palestine.
Liên quan tới những diễn biến gần đây trên bán đảo Crimea và tình hình xung đột ở Ukraine, Tổng thống Obama cảnh báo Nga không nên “tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng”.
Nhân dịp này, Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi thế giới cần thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở nên có hiệu lực càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo không nên để cho thế hệ tương lai phải hứng chịu hậu quả. Liên Hợp Quốc cam kết mạnh mẽ giải quyết vấn đề người di cư, tị nạn
“Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu hiện đang rất nghiêm trọng. Đây là một vấn đề khẩn cấp và đang ngày càng phát triển hơn. Phản ứng của thế hệ chúng ta đối với thách thức này sẽ được đánh giá bởi lịch sử. Nếu chúng ta không cùng nhau có những phản ứng mạnh dạn, nhanh chóng thì nguy cơ các thế hệ tương lai sẽ hứng chịu những thảm họa là điều không thể tránh khỏi”, Tổng thống Mỹ cho biết.
Với kỳ họp kéo dài 1 tuần, hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra được những giải pháp toàn diện, hiệu quả, giải quyết những xung đột, những thách thức thế giới đang phải đương đầu./.