Lực lượng nổi dậy Iraq chiếm thêm nhiều vị trí quan trọng
VOV.VN - Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Iraq sẽ không thể chỉ giải quyết bằng biện pháp quân sự mà cần cả giải pháp chính trị.
Tình hình an ninh tại Iraq ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng khi lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) hôm qua (22/6) đã chiếm thêm nhiều thị trấn ở tỉnh Anbar, phía Tây nước này. Trong khi cộng đồng quốc tế chưa có giải pháp thống nhất cho Iraq, thì những chiến thắng liên tiếp của các tay súng Hồi giáo dòng Sunni đang đe dọa sự bất ổn của cả khu vực.
Các tay súng của lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông ở Mosul (Ảnh: Reuters)
Theo các nguồn tin an ninh địa phương, thành phố Rawa cách thủ đô Baghdad khoảng 275 km về phía Tây Bắc, thành phố lân cận Aanah và thị trấn Jubba hiện đều nằm trong sự kiểm soát của các tay súng người Sunni.
Ngoài ra, các tay súng Hồi giáo dòng Sunni còn chiếm được 1 cửa khẩu biên giới giáp với Jordan và 1 cửa khẩu giáp với Syria. Trong đó, đáng chú ý là cửa khẩu Al-Qaim, giáp biên giới Syria, cách thủ đô Baghdad 500km, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Thị trấn này có thể sẽ là một bước đệm để các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông hướng tới kiểm soát hoàn toàn các khu vực ở phía Đông tỉnh Deir Ezzor, Syria.
Từ đó, có thể tiếp cận khu vực biên giới Syria - Iraq rồi kết nối các khu vực giữa Syria - Iraq. Sau khi Al-Qaim bị chiếm, lực lượng biên phòng Iraq đã bỏ các chốt kiểm soát. Điều này sẽ càng giúp các tay súng ISIL dễ dàng vận chuyển vũ khí, nhân lực đến những khu vực họ đang chiếm đóng ở Iraq, giúp củng cố sức mạnh cho lực lượng này. Mặt khác, việc các thị trấn này nằm dọc một con đường cao tốc chạy từ Syria đến Baghdad làm tăng khả năng các tay súng ISIL có thể kéo quân từ phía Tây đến vây hãm thủ đô của Iraq.
Hiện Iraq sẽ phải căng mình đối phó ít nhất trên 2 mặt trận. Một là các phiến quân tiến vào từ phía biên giới Syria. Hai là, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông đang được sự hậu thuẫn của một số bộ lạc người Hồi giáo dòng Sunni. Nếu như các bộ lạc này quyết định không ủng hộ Chính phủ Iraq thì việc chiếm lại quyền kiểm soát toàn bộ Al-Qaim sẽ vô cùng khó khăn đối với quân đội chính phủ.
Trước tình hình này, chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã huy động được một lượng lớn người tình nguyện ra chiến trường. Trong khi đó, các nước vẫn bất đồng về giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Iraq và Syria. Iran (theo dòng Hồi giáo Shiite) cho biết sẵn sàng bảo vệ chính phủ Shiite của nước láng giềng nếu Baghdad yêu cầu. Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo Sunni Saudi Arabia cảnh báo, Iran không nên can thiệp vào Iraq. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng al-Maliki và đề nghị để Moscow “hậu thuẫn toàn bộ cho các nỗ lực của Chính phủ Iraq nhằm giải phóng lãnh thổ nước này khỏi tay khủng bố càng sớm càng tốt”.
Trong khi đó Mỹ một mặt cảnh báo nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) có thể gia tăng sức mạnh và gây bất ổn cho các nước khác trong khu vực nhưng Mỹ cũng cho rằng, Thủ tướng Iraq ông Maliki không phải là nhà lãnh đạo mà Iraq cần để thống nhất đất nước và kết thúc căng thẳng sắc tộc. Vị Thủ tướng Hồi giáo dòng Shiite đang bị cáo buộc phân biệt đối xử với cộng đồng thiểu số Sunni. Theo Ngoại trưởng Mỹ Kerry, Nhà Trắng hiện tập trung vào sự chuyển giao chính trị, thúc đẩy một chính phủ gồm người Sunni, Shiite và Kurd mà không có sự hiện diện của ông Maliki.
Ông Kerry nói: "Chúng tôi sẽ giúp Iraq để hoàn thành quá trình chuyển đổi chính trị nếu họ muốn, họ có cơ hội để lựa chọn lãnh đạo đại diện cho tất cả người dân Iraq. Một chính phủ đoàn kết sẽ làm người dân đồng lòng và tập trung chống trả các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông. Tôi tin chắc rằng, họ sẽ làm như vậy không chỉ với sự giúp đỡ của Mỹ mà cả các nước khác trong khu vực và trên thế giới – những người luôn chống lại các hoạt động khủng bố”.
Trước đó, Mỹ đã phái đoàn cố vấn quân sự 300 người đến hỗ trợ quân đội Iraq nhưng vẫn chưa đồng ý tiến hành không kích vào các vị trí của quân nổi dậy. Tổng thống Mỹ Obama cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ không thể giải quyết chỉ bằng biện pháp quân sự mà cần cả giải pháp chính trị./.