Mali chào đón quân đội nước ngoài
(VOV) - Với sự trợ giúp của quân đội Pháp, lực lượng an ninh Mali cũng đã đẩy lùi phiến quân khỏi thị trấn chiến lượng Konna.
Hôm 12/1, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thông qua việc triển khai khẩn cấp quân đội đến Mali để hỗ trợ chính phủ nước này ổn định khu vực miền Bắc đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân người Tuareg. Một quan chức Bờ biển Ngà cho biết, Cộng đồng kinh tế Tây Phi sẽ cử binh sỹ từ Senegal, Togo, Niger và Nigeria đến Mali vào ngày 14/1 tới.
Quyết định của Cộng đồng kinh tế Tây Phi đưa ra chỉ 1 ngày sau khi quân đội Pháp triển khai quân đến Mali theo lời kêu gọi từ Bamako của Tổng thống tạm quyền Dioncounda Traure. Người dân Mali cũng ủng hộ sự can thiệp này vì cho rằng quân đội của họ không có đủ trang thiết bị cần thiết để chống lại phiến quân.
Phiến quân Mali (ảnh: PressTV) |
Một cựu binh Mali cho biết: “Binh sỹ của chúng tôi chẳng có công cụ gì để có thể giải quyết tình hình vì những vũ khí họ có cũng đã tồn tại đến 20 năm nay. Các kỹ sư quân sự của chúng tôi được Pháp và Liên Xô cũ đào tạo hầu hết cũng đã nghỉ hưu. Chúng tôi thật sự không biết tình hình sẽ trầm trọng thế nào nếu không có sự can thiệp quân sự này.”
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, nước này đã cử vài trăm binh sỹ cùng với máy bay chiến đấu tối tân đến bảo vệ thủ đô Bamako của Mali. Với sự trợ giúp của quân đội Pháp, lực lượng an ninh Mali cũng đã đẩy lùi phiến quân khỏi thị trấn chiến lượng Konna, cửa ngõ Bắc – Nam cách thủ đô Bamako 600km. Nhờ đó, người dân ở Bamako đã yên tâm hơn và đang hy vọng dần trở lại cuộc sống thường nhật.
Một sinh viên Mali nói: “Các trường học ở Mali phải đóng cửa suốt 9 tháng qua vì sự hoành hành của phiến quân ở phía Bắc và đe dọa tràn xuống phía Nam. Chúng tôi thật sự mong cuộc chiến này sớm chấm dứt và sự can thiệp kịp thời sẽ giúp chúng tôi thoát khỏi tình trạng này.”
Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ sát cánh với Pháp trong việc giúp đỡ Chính phủ Mali, trong khi Mỹ cũng đang cân nhắc hỗ trợ các lực lượng Pháp giúp Chính phủ Mali chặn đà tiến xuống phía Nam của các phiến quân.
Tuy nhiên, Đặc phái viên của Liên bang Nga tại châu Phi Mikhail Margelov cho rằng bất cứ chiến dịch quân sự nào tại đây cũng nên đặt dưới kế hoạch tiên phong của Liên Hợp Quốc hoặc Liên minh châu Phi. Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Tây Phi Said Djinnit dự kiến đến Mali vào tuần tới để bàn cách phối hợp triển khai binh sĩ quốc tế tới quốc gia Tây Phi này./.