Mỹ đặt cược danh dự vào ván bài Triều Tiên?
VOV.VN - Giới chuyên gia kỳ vọng rất thấp về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, kể cả khi nó có diễn ra.
Có rất ít thông tin chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Giới quan sát về Triều Tiên cũng không có nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp lịch sử này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi được giới quan sát cho là sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: RTE
Cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều sẽ diễn ra ở đâu?
Triều Tiên sẽ khó có thể đưa Tổng thống Mỹ tới Bình Nhưỡng. Trong khi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa từng ra nước ngoài kể từ khi nhậm chức.
Chuyên gia tại Viện Khoa học Liên bang Mỹ Adam Mount nhận định: “Thật khó có thể tưởng tượng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra tại châu Âu hay tại Trung Quốc. Có khả năng cuộc gặp diễn tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) trong khu vực biên giới phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ sẵn sàng dàn xếp cuộc gặp này, khi chính ông Moon cũng sẽ có cuộc gặp trực tiếp ông Kim Jong-un tại Nhà Hòa bình ở Bàn Môn Điếm trong tháng 4 tới.
Đến nay, chưa có bất cứ thông tin chi tiết nào về việc sẽ có những ai tham gia cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, ngoài ông Trump và ông Kim.
CNN dẫn nguồn tin chính quyền Tổng thống Trump cho biết, Mỹ đang tính tới việc nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài khi tiến hành bất cứ cuộc đối thoại nào với Triều Tiên.
Triều Tiên muốn gì?
Ông Jeffrey Lewis, giảng viên tại Học Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey nhận định, bất cứ cuộc gặp nào với Tổng thống Mỹ cũng cho thấy rằng Triều Tiên có giá trị”. Triều Tiên muốn các nước nhận thức rằng nước này đang được Washington đối xử “công bằng” thông qua đề xuất thu xếp cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Và nếu cuộc gặp có không diễn ra thì Bình Nhưỡng cũng đã tạo dựng sự thiện chí của mình và có thể đổ lỗi cho Mỹ đã cản trở các nỗ lực hòa bình.
“Bình Nhưỡng có thể nói rằng họ đã cố gắng và sau đó có thể khôi phục các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Họ có thể nói đây là kết cục sau khi đề xuất đối thoại bị từ chối”, ông Jeffrey Lewis nói thêm.
Còn Mỹ muốn gì?
Mỹ đã nhiều lần khẳng định rõ lập trường yêu cầu Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí của nước này.
Tổng thống Trump trước đó đã nói rằng ông muốn thấy những “hành động đáng tin cậy” trong nỗ lực phi hạt nhân của Bình Nhưỡng trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Lần này, cái gật đầu đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của Tổng thống Trump đồng nghĩa với việc Mỹ phải hạ thấp các yêu cầu của mình.
Cũng theo ý kiến của chuyên gia tại Viện Khoa học Liên bang Mỹ ông Adam Mount: “Mỹ đang đặt cược danh tiếng của mình vào việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều không thể tiến hành, nếu ông Trump gặp trở ngại, nếu ông Trump không giành lợi thế hơn và nếu ông Trump rời bàn đàm phán thì chắc chắn nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không thể tiến xa hơn nữa”.
Giới quan sát cho rằng, Mỹ cần bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và tìm kiếm những tiến triển từng bước nhỏ trong vấn đề Triều Tiên. Trong đó, có thể là những bộ của Triều Tiên trong việc ngừng các vụ thử tên lửa.
Nhật Bản lạc quan thận trọng về cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên
Hàn Quốc đang suy tính gì?
Tổng thống Hàn Quốc đã thúc đẩy mọi nỗ lực thiết lập quan hệ hữu nghị với Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2017.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng là một chiến thắng cho ông Moon dù rằng nhiều ý kiến hoài nghi về triển vọng của cuộc gặp này.
Ông Duyeon Kim, một thành viên Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên cho rằng, phe bảo thủ tại Hàn Quốc sẽ rất cẩn trọng với thông tin mới về cuộc gặp Mỹ-Triều, bởi vì họ đã rất nhiều lần chứng kiến Triều Tiên thất hứa và việc nước này sử dụng chiêu bài đàm phán để câu giờ.
“Nếu cuộc gặp Mỹ-Triều không mang lại những kết quả rõ ràng, trong đó có vấn đề phi hạt nhân, thì sẽ có những hậu quả lớn mà Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực phải đối mặt”, ông Duyeon Kim nói.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 9/3 đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả hai nhà lãnh đạo đã cùng cam kết gây “sức ép tối đa” với Triều Tiên cho đến khi nước này cho thấy những hành động cụ thể và chắc chắn để phi hạt nhân.
Không đặt cược vào cuộc gặp Mỹ-Triều
Giới chuyên gia không kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, kể cả khi nó có diễn ra.
“Chúng tôi đã xem bộ phim này quá nhiều lần. Triều Tiên đồng ý đối thoại và sau đó là chu kỳ khiêu khích và lại đối thoại… Chúng ta đều biết kịch bản này khi TriềuTiên có được mọi thứ họ muốn còn Mỹ và Hàn Quốc thì không”, ông Duyeon Kim nhậnđịnh thêm.
Các nhà quan sát cho rằng rất khó để đạt được một thỏa thuận vì thực tế rất rõ ràng là Mỹ muốn các bước tiến trong tiến trình phi hạt nhân, còn Triều Tiên thì không muốn từ bỏ chương tình hạt nhân của mình.
Theo giảng viên tại Học Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury Jeffrey Lewis, cuộc gặp có thể giúp ông Trump và ông Kim có thể xây dựng một “quan hệ tốt” tiến tới giai đoạn giảm căng thẳng giữa 2 nước, giống như mô-típ của chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon./.
Tổng thống Trump lại “rơi vào vết xe đổ” về hồ sơ Triều Tiên?
Mỹ hoan nghênh những tín hiệu “cởi mở” của Triều Tiên