Mỹ-Nhật cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng
VOV.VN - Các Bộ trưởng Mỹ-Nhật lên án các hoạt động khiêu khích của Triều Tiên cũng như việc nước này phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo...
Ngày 17/8, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã tham dự hội nghị Ủy ban tư vấn an ninh 2+2 tại thủ đô Washington, Mỹ. Ngay sau hội nghị, hai bên đã ra tuyên bố chung của hội nghị.
Trong tuyên bố chung của hội nghị Ủy ban tư vấn an ninh Mỹ-Nhật, hai bên thống nhất rằng Liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và tự do ở khu vực châu Á-Thái bình dương. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cam kết tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc trong bối cảnh môi trường an ninh thách thức. Cả hai bên khẳng định cam kết đối với an ninh của Nhật Bản thông qua mọi khả năng, bao gồm các lực lượng hạt nhân Mỹ.
Liên quan tới môi trường chiến lược khu vực, các Bộ trưởng Mỹ-Nhật lên án các hoạt động khiêu khích của Triều Tiên cũng như việc nước này phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực và thế giới. Các Bộ trưởng cam kết đẩy mạnh khả năng của liên minh Mỹ-Nhật để răn đe và đối phó với các mối đe dọa này, đồng thời thống nhất tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên, thông qua hợp tác với các nước khác, buộc Triều Tiên hành động cụ thể để chấm dứt các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, nhằm hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (trái) đứng cạnh Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, đứng cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, vào đầu cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 17/8/2017. (Ảnh: AP). |
Các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại đối với môi trường an ninh ở khu vực biển Hoa Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Đông. Hai bên tái khẳng định rằng Điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật áp dụng đối với quần đảo Senkaku cũng như việc Mỹ và Nhật Bản phản đối mọi hoạt động đơn phương tìm cách cản trở việc Nhật Bản quản lý các đảo này.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về tình hình ở khu vực Biển Đông và tiếp tục phản đối các hoạt động cưỡng bức đơn phương từ các quốc gia đòi chủ quyền, bao gồm việc bồi đắp và quân sự hóa các khu vực tranh chấp, làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua việc tôn trọng các quá trình ngoại giao và pháp lý, kể cả qua trọng tài phân xử.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật biển quốc tế, thể hiện qua Công ước LHQ về luật biển, bao gồm tôn trọng tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác. Các Bộ trưởng ghi nhận việc thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và hy vọng một Quy tắc ứng xử có ý nghĩa, hiệu lực, và mang tính ràng buộc sẽ được hoàn thiện. Các Bộ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục tham gia ở Biển Đông bao gồm các hoạt động hỗ trợ tự do hàng hải, các hoạt động huấn luyện và tập trận song phương và đa phương cũng như phối hợp hỗ trợ xây dựng năng lực.
Liên quan tới tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, các Bộ trưởng thống nhất đẩy mạnh việc thực hiện các Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật ký năm 2015 và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực hoạch định song phương, phòng thủ tên lửa và phòng không, các hoạt động sơ tán phi quân sự, hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng, hợp tác tình báo và an ninh thông tin. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và tăng cường tham vấn trong việc đối phó với các vấn đề an ninh mạng.
Hai bên cũng nhấn mạnh nỗ lực của liên minh Mỹ-Nhật trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh ban bên và đa phương trong khu vực, đặc biệt là với Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Liên quan tới việc tái bố trí các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của hai chính phủ trong việc thực hiện các sắp xếp hiện tại đối với quân đội Mỹ ở Nhật Bản nhằm duy trì năng lực răn đe và hoạt động trong tình hình môi trường an ninh nghiêm trọng đồng thời giảm tác động đối với các cộng đồng địa phương và tăng cường sự ủng hộ từ các cộng đồng này đối sự hiện diện và hoạt động của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.
Các Bộ trưởng hoan nghênh việc nối lại xây dựng Cơ sở thay thế Futenma (FRF) và tái khẳng định rằng kế hoạch xây dựng Cơ sở này tại khu vực Trại Schwab-Henokosaki và các vùng nước lân cận là giải pháp duy nhất giải quyết các lo ngại chiến lược, tài chính, chính trị và hoạt động đồng thời tránh việc tiếp tục sử dụng Trạm căn cứ không quân Futenma.
Các Bộ trưởng hoan nghênh việc trả lại một phần lớn của Khu vực huấn luyện phía bắc năm 2016, khu đất lớn nhất được trả lại ở Okinawa kể từ năm 1972. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến độ của việc tái bố trí khoảng 9,000 binh sỹ thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và những người liên quan từ Okinawa tới các khu vực ngoài Nhật Bản, bao gồm đảm Guam. Các bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện Thỏa thuận quốc tế Guam./.
Mỹ đủ sức bảo vệ bản thân và đồng minh trước Triều Tiên
Nhật Bản và Mỹ tổ chức Hội nghị Ngoại giao - Quốc phòng
Nhật Bản kêu gọi đối thoại Mỹ - Triều giải quyết căng thẳng