Mỹ trấn an các đồng minh về chiến dịch chống IS
VOV.VN -Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn.
Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, chiến dịch tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu đang phát huy hiệu quả, song đây sẽ là một "cuộc chiến đấu phức tạp và khó khăn".
Phát biểu này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được xem là nhằm trấn an Iraq và các nước đồng minh, trong bối cảnh, có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả chiến lược này.
Phát biểu với báo chí tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Chính phủ nước này đã nhiều lần nêu rõ rằng, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn.
Theo ông, dù những kết quả đạt được tại Iraq vẫn còn hạn chế, song đây là đặc điểm chung của mọi cuộc chiến đấu phức tạp và khó khăn. Chiến lược do Mỹ thúc đẩy vẫn đang phát huy hiệu quả và vì thế, không có lý do gì để Mỹ buộc phải thay đổi chính sách.
Cùng ngày, một quan chức quốc phòng thuộc Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ cho rằng, hiện là quá sớm để đánh giá liệu chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Barack Obama có hiệu quả hay không. Bởi quân đội Iraq vẫn chưa đủ khả năng mở một chiến dịch phản công mô lớn nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất, dù là với sự hỗ trợ của không quân quốc tế.
Theo ông Obama, hiện lực lượng an ninh Iraq đang trong quá trình tập hợp, tổ chức lại và mới chỉ bắt đầu tiến hành một số cuộc tấn công quy mô nhỏ.
Những phát biểu này được xem là nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm trấn an Iraq và các nước đồng minh đang nghi ngờ hiệu quả và động cơ chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ thúc đẩy.
Chiến lược này đang bị chỉ trích là “biện pháp nửa vời” khi chỉ sử dụng sức mạnh không quân là biện pháp can thiệp duy nhất. Chính vì thế, bất chấp các cuộc không kích dồn dập của Mỹ và các đồng minh, nhóm nổi dậy vẫn đang cho thấy không hề bị suy yếu, mà thậm chí còn không ngừng gia tăng ảnh hưởng và mở rộng phạm vi hoạt động.
Như tại Iraq, các tay súng Nhà nước Hồi giáo hầu như đã nắm toàn bộ khu vực phía Tây tỉnh Anbar và đang tìm cách cô lập các cứ điểm chiến đấu. Trong bối cảnh này, chính phủ Iraq đã bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ từ những nước khác, một mặt do những kết quả hạn chế của chiến dịch không kích quốc tế, mặt khác là do lo ngại sự quay lại của bộ binh Mỹ sẽ chỉ càng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo tại nước này.
Minh chứng rõ nhất là chuyến thăm Iran mới đây của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Ông Kanani Moghadam, một cựu chỉ huy quân sự Iran nói: “Thủ tướng Abadi và chính phủ của ông ấy có thể sẽ yêu cầu sự hỗ trợ bộ binh của Iran để đối phó với các nhóm cực đoan, đặc biệt là tại các khu vực gần biên giới Iran và những khu vực đang đe dọa an ninh của Iran. Một sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Iran dành cho Iraq cũng đồng nghĩa với việc Iraq sẽ càng ít phụ thuộc hơn vào các lực lượng đồng minh. Iraq dường như đang tìm cách chống lại yêu cầu của liên minh quốc tế xây dựng các căn cứ quân sự tại nước này”.
Đã bước chân vào thì sẽ không dễ dàng để rút chân ra. Mỹ và các đồng minh giờ đây không thể thua trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Song rõ ràng, những gì diễn ra hiện nay cho thấy, chiến lược “làm suy yếu và tiêu diệt” nhóm nổi dậy do Mỹ đưa ra đến nay vẫn chỉ đang ở giai đoạn một là “làm suy yếu”.
Theo ông Kenneth Pollback, chuyên gia về Trung Đông của Viện Nghiên cứu Brooking, Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đúng khi hành động thận trọng ở Iraq để dành thời gian chờ quân đội nước này củng cố lại lực lượng. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần phải có một chương trình rõ ràng hơn nếu muốn chiến thắng Nhà nước Hồi giáo./.