Mỹ và EU tăng các biện pháp trừng phạt Nga:Lợi bất cập hại
VOV.VN - Trong bối cảnh toàn cầu hóa với những lợi ích đan xen như hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là khó tránh khỏi.
Ngày 27/3, hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua các dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga và viện trợ tài chính cho Ukraine. Động thái này có thể tiếp tục khiến cho quan hệ đối tác giữa Nga - Mỹ và phương Tây gia tăng thêm những căng thẳng.
Cũng trong ngày 27/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong tuần này, Mỹ sẽ cho áp đặt lệnh cấm lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu thiết bị và dịch vụ quốc phòng sang Nga nhằm phản ứng việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa thông qua một nghị quyết không ràng buộc, tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea sáp nhập vào Nga là không hợp lệ (Ảnh: un.org) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, các biện pháp trừng phạt này của Mỹ sẽ buộc các công ty phải cân nhắc trước khi quyết định làm ăn với phía Nga. Bà Harf cũng cho biết, lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực ngay sau khi có thông báo tiếp theo từ nhà chức trách Mỹ.
Bà Harf nói: “Nếu các công ty mong muốn làm việc với Nga, họ sẽ phải có một cái nhìn nghiêm túc hơn. Họ phải cân nhắc đến các biện pháp trừng phạt mà nhà chức trách Mỹ đã đưa ra”.
Trước đó, cùng ngày, hai viện Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua các dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga và viện trợ tài chính cho Ukraine. Hai dự luật được thông qua tại Thượng viện và Hạ viện của Quốc hội Mỹ gần như đồng thời. Đây là hai dự luật riêng rẽ, song có nội dung tương tự khi đều xem xét việc phân bổ khoản viện trợ 1 tỷ USD dành cho Ukraine.
Ngoài ra, các dự thảo luật này cũng trao cho Chính quyền của Tổng thống Barak Obama thẩm quyền bổ sung áp đặt các biện pháp trừng phạt cấm nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài sản đối với các quan chức Nga.
Tuy nhiên, việc gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga của Mỹ và EU cũng vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước, trong đó có nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Các nước này cũng đồng thời chỉ trích đề xuất không cho phép Moscow tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại thành phố Brisbane, Australia vào tháng 11 tới.
Với tư cách ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc hiểu rõ rằng chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do cơ quan này thông qua mới được coi là hợp pháp. Phía Trung Quốc nhận thức rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các đối tác phương Tây và Trung Quốc không có ý định hành động thiếu cân nhắc như Mỹ và các đối tác ở phương Tây đã làm. Về phần mình, Ấn Độ tuyên bố không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Nga theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
Các cơ quan truyền thông và doanh nghiệp châu Âu những ngày qua cũng bày tỏ sự lo ngại và phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nhắm vào Nga bởi hiện nay, Nga là một nhà đầu tư lớn ở châu Âu.
Mặc dù tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga, song trên thực tế không thể phủ nhận, các biện pháp trừng phạt này có thể sẽ làm tổn hại ngược lại đối với chính những lợi ích chính trị và kinh tế của Mỹ và EU.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh toàn cầu hóa với những lợi ích đan xen như hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau là khó tránh khỏi, đặc biệt là vai trò các nước lớn. Chính vì vậy, ngay chính trong nội tại nước Mỹ hay EU vẫn còn tồn tại những quan điểm trái ngược về gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Ngày 27/3, phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Canada Stephen Harper, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, việc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Nga là không cần thiết, và rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị./.