Mỹ vừa xoa dịu, vừa cảnh báo Iran về vấn đề hạt nhân
VOV.VN - Các nghị sỹ hàng đầu thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 12/12 đã nhất trí hoãn các lệnh trừng phạt mới đối Iran.
Đây được cho là bước đi ngoại giao tích cực của Mỹ nhằm thúc đẩy việc thực hiện hóa một thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran và nhóm P5+1, khi mà Iran trước đó đã từng cảnh báo nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân này nếu như Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Các nghị sĩ hàng đầu thuộc Uỷ ban ngân hàng Thượng viện Mỹ thừa nhận rằng, các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể cắt đứt sự liên kết trong cộng đồng quốc tế nhằm hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Một trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Iran (Ảnh AFP) |
Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tim Johnson cho biết, ông rất ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và chính ông cũng là người đề xuất nhiều biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt lên Iran.
Tuy nhiên, người đứng đầu Uỷ ban ngân hàng Thượng viện Mỹ cũng cho rằng việc chính quyền Tổng thống Obama yêu cầu tạm dừng các lệnh trừng phạt là hợp lý.
Cùng quan điểm này, phát biểu trước Uỷ ban ngân hàng Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman cho biết: “Chúng tôi tin rằng, bây giờ không phải là lúc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, bởi việc này có nguy cơ phá hoại các bước đi đầu tiên nhiều triển vọng, gây tan rã mối quan hệ với các đồng minh của chúng ta và chia rẽ liên minh trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt một cách có hiệu quả”.
Iran trước đó đã nhiều lần cảnh báo thỏa thuận hạt nhân mới đạt được tại Geneva hồi cuối tháng 10 vừa qua sẽ thất bại nếu như Quốc hội Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, kể cả khi không có hiệu lực trong 6 tháng thực thi thỏa thuận.
Do đó, quyết định hoãn trừng phạt bổ sung đối với Iran được đánh giá là một bước đi tích cực nhằm thúc đẩy việc thực hiện hóa thỏa thuận hạt nhân tạm thời tại Geneva, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Iran và nhóm P5+1. Chính quyền Mỹ ngay sau đó đã hoan nghênh quyết định của Uỷ ban ngân hàng Thượng viện Mỹ khi cho rằng việc này sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho các nỗ lực ngoại giao của Mỹ.
Mặc dù đã phần nào thể hiện sự mềm mỏng hơn trong chính sách ngoại giao khi không áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, song Mỹ vẫn cảnh báo Iran rằng, Washington không hề lơ là trong việc trừng phạt Tehran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Các nghị sĩ Mỹ cho biết họ đã soạn thảo một dự luật trừng phạt bổ sung đối với Iran và văn kiện này sẽ có hiệu lực nếu Iran không nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, cũng như không tuân thủ các điều kiện trong thỏa thuận ban đầu nhằm đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Thêm vào đó, Washington ngày 12/12 cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty và cá nhân của nhiều nước, trong đó có Singapore, Panama và Ukraine, với lý do hậu thuẫn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Giới chức Mỹ nhấn mạnh quyết định này là lời cảnh báo rằng Washington sẽ vẫn tiếp tục thực thi một cách nghiêm khắc các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Tehran ngay cả khi muốn tìm kiếm khả năng tiến tới một giải pháp mang tính lâu dài và toàn diện nhằm giải tỏa những quan ngại của quốc tế đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran./.