Mỹ xem xét lại chiến lược chống IS tại Syria
VOV.VN -Tổng thống Obama đã đề nghị xem xét lại chiến lược vì những vấn đề tại Syria kéo dài bấy lâu nay đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS.
Các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang muốn các cố vấn xem xét lại chính sách đối với Syria, sau khi xác định có thể không đánh bại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) nếu không loại bỏ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Chưa biết cách điều chỉnh của Mỹ có đem lại hiệu quả trong cuộc chiến chống IS hay không, nhưng điều này sẽ tác động đến những nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Trong tuần qua, Nhà Trắng đã triệu tập bốn cuộc họp của đội ngũ an ninh quốc gia về việc điều chỉnh chiến lược tại Syria phù hợp với chiến dịch chống IS. Hãng tin CNN trích lời quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống đã đề nghị xem xét lại chiến lược, vì những vấn đề tại Syria kéo dài bấy lâu nay đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS. Giới quan sát cho rằng, yêu cầu xem xét lại chiến lược tại Syria cũng là một sự thừa nhận ngầm rằng, chiến lược ban đầu của Mỹ để đối phó với IS, đầu tiên tại Iraq và sau đó là Syria, nhưng không loại bỏ Tổng thống Assad là một tính toán sai lầm.
Trong chiến lược chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, Mỹ cho biết sẽ ưu tiên đối phó với IS tại Iraq và sau đó là Syria, để tạo điều kiện cho Mỹ có thời gian đào tạo lực lượng đối lập ôn hòa tại Syria. Tuy nhiên, lực lượng đối lập Syria đang gặp phải khó khăn trong việc đối phó với 2 mặt trận là chống lại IS và các nhóm cực đoan khác tại Syria.
Việc đào tạo lực lượng đối lập ôn hòa Syria cũng tiến triển rất chậm chạp, mà theo đánh giá của một số quan chức Mỹ thì có thể kéo dài vài năm. Cuộc chiến chống IS của Mỹ tại Iraq bước đầu đã có hiệu quả khi nhận được sự hợp tác lớn từ phía chính phủ.
Tuy nhiên tại Syria, dường như các bước đi này rất chậm chạp với thế giằng co giữa hai bên tại thị trấn chiến lược Kobani nhiều tuần qua. Mỹ và phương Tây từ lâu đã lên tiếng ủng hộ lực lượng đối lập ôn hòa tại Syria - một phần trong kế hoạch quốc tế nhằm đánh bại lực lượng của IS, nhưng không hợp tác với Tổng thống Syria Ba-sa An Assad.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 12/11, thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker cho rằng, bất cứ một kế hoạch mới nào trong cuộc chiến chống IS tại Syria cũng phải chứa yếu tố mà ông gọi là một “nỗ lực của ông Assad”.
Ông Bob Corker nói: “Đối với tôi, thiếu sự tham gia của ông Assad trong cuộc chiến chống IS đang cản trở những bước tiến trong cuộc chiến này tại Syria . Tôi tin rằng, các đối tác liên minh chống IS sẽ được mở rộng, ví dụ như có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước tiên là cần phải có một thành phần Assad trong đó”.
Hiện chưa rõ cách thức điều chỉnh chiến lược của Mỹ có hiệu quả trong cuộc chiến chống IS hay không, vì thực tế chiến dịch chống IS của Mỹ là một liên minh rộng lớn gồm nhiều nước. Bản thân những nước này cũng có những quan điểm khác nhau về chính phủ của Tổng thống Assad.
Quyết định của Mỹ cũng có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Liên Hợp Quốc đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 4 năm qua tại Syria.
Với 2 vòng đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và lực lượng chính trị đối lập trong năm nay vẫn chưa chấm dứt được cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua tại Syria, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đang đưa ra đề xuất ngừng bắn theo khu vực, để từng bước giải quyết nội chiến.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết đề xuất này “đáng xem xét” vì nó có thể mang lại an ninh và ổn định cho một số khu vực. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cũng đang tiếp tục chuyến thăm khu vực với lời kêu gọi các bên ngừng bắn và chấm dứt bạo lực./.