NATO gặp khó khi muốn ủng hộ Ukraine mà tránh mất lòng Nga
VOV.VN- Trong chuyến thăm đầu tiên đến Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ phải vừa trấn an Ukraine vừa tìm cách hòa giải với Nga.
1. Các nhà ngoại giao Ukraine nhận định, chuyến thăm mang tính biểu tượng ngày 21/9 này thể hiện sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine trong bối cảnh cả phương Tây và Ukraine đều cáo buộc Nga ủng hộ phe đối lập tại miền Đông chiến đấu chống lại quân chính phủ Ukraine.
Binh sĩ Ukraine tại miền Đông nước này. Ảnh AFP |
Cũng trong chuyến thăm này, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg sẽ chứng kiến việc Ukraine ký thông qua học thuyết mới coi Nga là “kẻ xâm lược” với cáo buộc Nga chiếm Crimea từ Ukraine.
Tuy nhiên, khác với người tiền nhiệm của mình, ông Stoltenberg sẽ tránh đưa ra những lời chỉ trích trực tiếp nhằm vào Nga do lo ngại điều này có thể làm leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine.
2. Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 20/9 tuyên bố: “Việc Nga tham gia vào cuộc chiến chống IS và tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra còn quan trọng hơn cả việc Nga cung cấp vũ khí cho Syria”.
Thành phố Aleppo của Syria tan hoang trong nội chiến. Ảnh AP |
Ông Muallem nhấn mạnh, việc Nga tăng cường vai trò của mình tại Syria cho thấy “Mỹ đang thiếu một chiến lược cụ thể chống lại các tổ chức Thánh chiến”.
Ông Muallem nhấn mạnh, việc Nga tăng cường vai trò của mình tại Syria cho thấy “Mỹ đang thiếu một chiến lược cụ thể chống lại các tổ chức Thánh chiến”.
Trong khi đó, Mỹ - nước đứng đầu liên quân tiến hành các cuộc không kích chống IS tại Syria và Iraq trong vòng hơn 1 năm qua, đã cảnh báo rằng, việc Nga tăng cường viện trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad chỉ làm cho tình hình thêm xấu đi.
Đã đến lúc Mỹ cần hợp tác thực chất với Nga trong vấn đề Syria
3. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/9 tuyên bố, châu Âu cần chia sẻ trách nhiệm về vấn đề người di cư và Đức sẽ không tiếp nhận những người nhập cư đến nước này vì kinh tế.
Bà Merkel nhấn mạnh: “Đức luôn sẵn sàng giúp đỡ nhưng đây không phải là vấn đề của riêng nước Đức mà là của cả châu Âu. Châu Âu cần phải cùng hành động và cùng chịu trách nhiệm. Đức không thể “gánh” trách nhiệm này một mình”.
Người tị nạn đụng độ với cảnh sát Hy Lạp. Ảnh AFP |
Thủ tướng Đức cũng cảnh báo, những người nhập cư vì mục đích kinh tế thay vì chạy trốn chiến tranh sẽ không được nước này tiếp nhận.
“Đức là một quốc gia hùng mạnh, nhưng sẽ là phi thực tế nếu cho rằng một mình Đức có thể giải quyết mọi vấn đề xã hội trên toàn cầu”, bà Merkel nói.
“Chúng tôi sẵn sàng cấp nơi trú ẩn cho những người thực sự cần nhưng tôi phải nói rằng, những người đến đây vì mục đích kinh tế sẽ không thể ở lại đây”, bà Merkel cảnh báo.
Khủng hoảng nhập cư: Hungary mở cửa trở lại biên giới với Serbia
4. Trang mạng của Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết Đảng Syriza đã giành được 35,54% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, dựa trên 50% số phiếu được kiểm.
Các cử tri Hy Lạp tiếp tục gửi niềm tin vào Chủ tịch Đảng cánh tả Syriza Alexis Tsipras với chiến thắng lớn của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 20/9.
Chủ tịch Đảng cánh tả Syriza Alexis Tsipras ăn mừng chiến thắng. Ảnh Reuters |
Theo trang mạng của Bộ Nội vụ Hy Lạp, Đảng Syriza đã giành được 35,54% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, dựa trên 50% số phiếu bầu được kiểm.
Theo đó, Đảng Dân chủ mới chỉ dành được 28,07% số phiếu bầu. Điều này sẽ giúp Đảng Syriza có 145 ghế trong quốc hội 300 ghế, trong khi đảng Dân chủ mới là 75.
Dựa trên số phiếu được kiểm, số lượng cử tri đi bỏ phiếu là 55,4%. Ngay sau khi kết quả sơ bộ thông báo, nhiều người ủng hộ ông Tsipras đã tập trung bên ngoài trụ sở đảng Syriza để chúc mừng nhà lãnh đạo.
5. Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 20/9 chính thức công bố thành phần Nội các mới.
Nội các mới được công bố chỉ 6 ngày sau khi ông đánh bại cựu Thủ tướng Tony Abbott trong cuộc bỏ phiếu của đảng Tự do ngày 14/9 vừa qua.
Tân Thủ tướng Turnbull công bố Nội các mới của Australia. Ảnh AP |
Nội các mới của Australia gồm 5 nữ bộ trưởng, cao hơn gấp đôi so với Nội các trước đó. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi trong vị trí Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Quốc phòng.
Theo đó, ông Scott Morrison sẽ giữ chức Bộ trưởng Tài chính thay ông Joe Hockey, còn bà Marise Payne sẽ thay thế ông Kevin Andrews, trở thành phụ nữ đầu tiên nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng của Australia.
6. Nhân Ngày Quốc tế Hòa bình, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên tham chiến trên toàn cầu ngừng bắn trong 24 giờ.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon đồng thời hối thúc tất cả các giai tầng xã hội cùng chung vai góp sức để tái lập và duy trì nền hòa bình cho toàn nhân loại.
Trong thông điệp gửi tới toàn thế giới nhân ngày đặc biệt này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hối thúc mọi người biến Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9) năm nay thành một ngày không có bạo lực và là ngày của sự tha thứ.
Trong lời kêu gọi đó, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của giới trẻ: “Nhân Ngày Quốc tế hòa bình, tôi kêu gọi tất cả lực lượng tham chiến ngừng bắn giết và hủy hoại lẫn nhau. Các bên tham chiến hãy hạ vũ khí, tôn trọng lệnh ngừng bắn, cùng đối thoại để tạo không gian cho hòa bình lâu dài.”/.