Nga, phương Tây đồng thời lên án lệnh cấm đi lại của Ukraine
VOV.VN- Ukraine đã phải hứng chịu chỉ trích của cả Nga và phương Tây sau khi áp đặt lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Nga và các nhà báo phương Tây.
Cơ quan Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York cho biết, có tới 40 nhà báo và những người chuyên viết blog từ khắp nơi trên thế giới bị liệt vào danh sách cấm đi lại của Ukraine được Tổng thống Ukraine ký ngày 16/9.
Trong danh sách này đáng chú ý có 3 phóng viên thường trú tại Moscow của BBC, một phóng viên người Đức. Tuy nhiên, những người này sau đó đã được đưa ra khỏi danh sách.
Một binh sĩ tại miền Đông trong cuộc chiến chống lại quân Chính phủ Ukraine. Ảnh AFP |
Mặc dù vậy, Ukraine vẫn duy trì lệnh cấm nhằm vào một nhà văn và sử gia người Tây Ban Nha cùng hàng chục nhà báo Nga bị nước này cáo buộc là đưa tin thiên lệch về cuộc chiến của chính quyền Ukraine chống lại phe đối lập tại miền Đông nước này.
Phương Tây bất bình
Quyết định bất ngờ của Ukraine ngay lập tức khiến châu Âu lo ngại rằng nước này đang ngăn trở các giá trị của châu Âu chỉ để giành được ưu thế trong cuộc chiến tranh tuyên truyền với Nga.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên vì lệnh cấm này bởi nó thể hiện sự vi phạm quyền tự do thông tin”, Tổ chức Phóng viên không Biên giới có trụ sở tại Paris tuyên bố.
Trong khi đó, CPJ lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Ukraine Poroshenko và bày tỏ nghi ngờ về cam kết của ông này liên quan đến quyền tự do truyền thông.
“Có thể chính quyền Ukraine không thích hoặc không đồng tình với những gì họ viết, nhưng cáo buộc các nhà báo là nguy cơ gây bất ổn an ninh quốc gia là hoàn toàn không phù hợp”, CPJ tuyên bố.
Nga cũng rất giận dữ
Không chỉ cấm cửa các nhà báo, Tổng thống Ukraine Poroshenko còn ký sắc lệnh cấm đi lại đối với 400 quan chức và 90 công ty mà Ukraine cáo buộc phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại miền Đông Ukraine.
Tổng thống Ukraine Porshenko tuyên bố về lệnh cấm vừa được ông đặt bút ký. Ảnh AFP |
Lệnh cấm này đã gây ảnh hưởng đến nhiều tập đoàn truyền thông và các tập đoàn lớn của Nga như hãng hàng không Aeroflot và Ngân hàng Gazprom.
Người phát ngôn Tổng thống Nga, Dmitry Peskov tuyên bố: “Việc rất nhiều cơ quan truyền thông của Nga bị liệt vào danh sách của Ukraine là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Sự giận dữ của Nga cũng được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chia sẻ.
“Tôi hoàn toàn tôn trọng quyền chiến đấu chống khủng bố và bảo đảm an ninh cho công dân Ukraine. Tuy nhiên, việc cấm tự do đi lại đối với các nhà báo không phải là cách thực sự giúp đảm bảo an ninh”, Đại diện OSCE phụ trách Tự do Báo chí Dunja Mijatovic nói.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt nhấn mạnh: “Quyền tự do báo chí là rất quan trọng để xây dựng một Ukraine hiện đại theo chuẩn châu Âu.
Cao ủy EU về mở rộng châu Âu Johannes Hahn khẳng định, ông vừa ngạc nhiên vừa lo ngại về quyết định trên của Ukraine.
“Tôi sẽ thảo luận về vấn đề này với các đồng nghiệp tại Ukraine sau khi đã phân tích tình hình cụ thể, bởi tôi có thể nói rằng, điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần của châu Âu”, ông Hahn nói.
Ukraine phân trần
Giới chức Ukraine không khỏi ngạc nhiên trước phản ứng của châu Âu và Nga và cam kết sẽ xem lại danh sách này.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, đích thân ông Poroshenko đã can thiệp vào vụ 3 nhà báo của BBC vì “tự do báo chí là một giá trị rất cơ bản”.
Trong khi đó, Bộ Chính sách Thông tin của Ukraine cho biết, ông Poroshenko chỉ đơn thuần kỳ vào sắc lệnh do Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia đệ trình.
Bộ này cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm với 2 nhà báo Tây Ban Nha nhưng vẫn giữ nguyên hình phạt với sử gia Cesar Vidal vì ông này đã ví Ukraine “với một quốc gia do phương Tây dựng lên làm vũ khí để đe dọa Nga”.
Ngoài ra, Bộ này cho biết, sẽ vẫn cấm cửa các cá nhân “tuyên truyền giúp Nga”, mà điển hình là người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov đến Ukraine trong vòng một năm.
Lệnh cấm của Ukraine còn mở rộng sang cả cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi vì ông dám đến thăm Crimea cùng Tổng thống nga Putin vào tuần trước./.