Nga phản đối cảnh báo của Mỹ về việc can thiệp vào Ukaine
VOV.VN - Dù cho rằng cảnh báo của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice là chân thành, Nga cho biết nó đã bị gửi nhầm đối tượng.
Theo Nga thì chính Mỹ mới cần phải “lắng nghe” lời khuyên này của bà Rice.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, những lời khuyên rất chuyên môn của bà Rice dựa trên rất nhiều vụ việc mà quân Mỹ đã được điều động đến rất nhiều các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nơi mà chính quyền Mỹ cho rằng các chuẩn mực về dân chủ kiểu phương Tây bị đe dọa hoặc khi chính quyền các nước nói trên đang cố thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Mỹ”, một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/2 cho biết.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice (Ảnh Reuters) |
Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng: “Chúng tôi kỳ vọng rằng Cố vấn Rice cũng sẽ đưa ra những lời khuyên như trên cho các lãnh đạo Mỹ dựa trên những sai lầm của họ khi sử dụng quân đội để tiến hành can thiệp vào các nước khác”.
Theo RT, Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ ngày 23/2 trong một cuộc phỏng vấn đã nhấn mạnh rằng việc đưa quân vào Ukraine để khôi phục lại vị trí của Tổng thống Yanukovich sẽ là “một sai lầm chết người” đối với Nga.
Bà Rice không đưa ra lý do cụ thể tại sao bà tin rằng Moscow sẽ xem xét việc đưa quân vào giúp ông Yanukovich nhất là khi suốt 3 tháng của cuộc biểu tình tại Ukraine, các quan chức phương Tây đã liên tục đổ xô đến Ukraine để ủng hộ những người biểu tình. Trong khi đó Nga đã không hề có một hành động cụ thể nào sau khi chỉ trích phương Tây rằng họ đang “nhúng mũi” vào việc nội bộ của Ukraine.
“Một vài đối tác phương Tây của Nga không thể hiện sự lo lắng thực sự về vấn đề Ukraine. Thay vì vậy họ chỉ muốn làm lợi từ vị thế địa-chính trị quan trọng của nước này”, thông cáo trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ngay cả khi ông Yanukovich bị Quốc hội phế truất, Moscow cũng không hề thay đổi lập trường cũng như không hề bày tỏ sự ủng hộ nào đối với ông Yanukovich.
Moscow chỉ chỉ trích phe đối lập tại Ukraine không giữ lời và phá vỡ thỏa thuận nhượng bộ do phương Tây hậu thuẫn được chính Tổng thống bị phế truất Yanukovich ký trước đó.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 24/2 tuyên bố Moscow mong muốn Kiev có một nhà lãnh đạo có đủ thầm quyền để tiến hành những thỏa thuận mà nước này dự định sẽ đàm phán.
“Tính hợp pháp của rất nhiều cơ quan Chính phủ Ukraine đang bị đặt dấu hỏi lớn. Nga nhận thấy sẽ rất khó làm việc với một Chính phủ bao gồm những kẻ đeo mặt nạ, vũ trang bằng súng trường Kalashnikov bao vây thủ đô Kiev”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Vào năm 1991, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến chống lại Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Kể từ đó Mỹ đã thực hiện thêm 4 cuộc chiến tại các quốc gia khác bao gồm chiến dịch ném bom tại Nam Tư, cuộc tấn công Afghanistan và Iraq và chiến dịch ném bom tại Lybia.
Năm 2013, Mỹ đã ngừng dự định tiến hành cuộc chiến thứ 5 tại Syria sau nỗ lực hòa giải tích cực của Nga.
Washington đã lấy lý do thực thi các sứ mệnh nhân đạo và trừng phạt những Chính phủ được cho là đàn áp nhân dân tại các quốc gia nói trên để tiến hành các cuộc can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, những lý do trên lại không được áp dụng với các nước vốn “khét tiếng” về vấn đề nhân quyền như Saudi Arabia chỉ bởi nước này là đồng minh của Mỹ./.