Nga tính đến kịch bản xấu nhất cho số phận Hiệp ước hạt nhân với Mỹ
VOV.VN - Dù tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ, song Moscow không đặt quá kỳ vọng vào một thỏa thuận có thể đạt được với Mỹ để có thể cứu vãn INF.
Hôm qua (18/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất để các nước khác tham gia ký kết Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) như một giải pháp để cứu vãn thỏa thuận, vốn đang chỉ được ký kết với Mỹ này. Những tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ tiếp tục được giới chức Nga đưa ra, song Moscow không đặt quá kỳ vọng vào một thỏa thuận có thể đạt được. Kịch bản xấu nhất cho số phận Hiệp ước cũng đã được giới chức Nga tính đến.
Tổng thống Nga Vladimia Putin. Ảnh: RT. |
Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga, hôm 18/12, Tổng thống Nga Putin một lần nữa cáo buộc Mỹ vi phạm INF, đồng thời đưa ra đề xuất để các nước khác tham gia vào Hiệp ước như một giải pháp để cứu vãn thỏa thuận này, hoặc không các nước có thể bắt đầu xúc tiến các cuộc thảo luận để hình thành một thỏa thuận mới thay thế phù hợp.
Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận, đang có một số bất cập đối với Hiệp ước: “Đúng là có một số vấn đề nhất định với INF. Một số quốc gia khác sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung không phải là thành viên của Hiệp ước. Nhưng điều gì ngăn chúng ta bắt đầu các cuộc đàm phán để họ tham gia vào Hiệp ước này, hay việc bắt đầu thảo luận về điều khoản cho một thỏa thuận mới?”
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại bà Federica Mogherini cũng khẳng định, những thiếu sót của INF không phải là một lí do để hủy bỏ hiệp ước này, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất là thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị đang có.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã thừa nhận, khả năng đạt được thỏa thuận nào đó với Mỹ trong vấn đề này rất khó khăn, dù Moscow luôn trong tư thế sẵn sàng đối thoại.
Theo Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Thượng tướng Sergey Karakaev, Nga đã tính đến những mối đe dọa an ninh khi Mỹ rút khỏi INF. Để đối phó với viễn cảnh này, Moscow đã có kế hoạch biên chế cho Quân đội khoảng 100 mẫu vũ khí mới, trong đó có tên lửa Yars cố định và di động, trong khoảng từ nay đến cuối năm 2018. Đây cũng là sự đáp trả đối với việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu.
Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump lần đầu tiên lên tiếng cảnh báo, Mỹ đang lên kế hoạch đơn phương hủy bỏ INF, với lý do Nga đã không tuân thủ thỏa thuận này. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, nước này sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân cho đến khi Nga và Trung Quốc có hành động khiến nước này “an tâm”. Đầu tháng 12/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình đối với INF trong vòng 60 ngày nếu Nga không quay trở lại tuân thủ.
Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Hiệp ước được coi là một cột mốc quan trọng trong việc chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô. Theo thỏa thuận, hai bên cam kết không được phép sản xuất, thử nghiệm và triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước này. Trước viễn cảnh Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi Hiệp ước, các nước đồng minh châu Âu của Mỹ quan ngại, một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ xảy ra./.
Putin: Nga sẽ thiết kế tên lửa mới để tự vệ nếu Mỹ rút khỏi INF