Nga-Trung đề nghị HĐBA điều tra IS sử dụng vũ khí hóa học ở Syria
VOV.VN - Nga và Trung Quốc ngày 13/4 đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc điều tra việc tổ chức khủng bố IS sử dụng khí độc ở Syria.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Chính phủ Syria hồi đầu tháng cáo buộc tổ chức khủng bố IS đã bắn một số đạn pháo có chứa khí mù tạt vào các căn cứ quân sự ở tỉnh miền Đông Deir al-Zour.
Các tay súng IS ở Syria. Ảnh Reuters
Nga và Trung Quốc đã trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một dự thảo nghị quyết mà theo Đại sứ Nga Vitaly Churkin, có thể giúp ngăn chặn các nhóm khủng bố như IS sử dụng vũ khí hóa học.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu các nước, đặc biệt là láng giềng của Syria, phải ngay lập tức báo cáo lên Hội đồng Bảo an về bất cứ hành động nào của những tổ chức không phải là thể chế nhà nước nhằm phát triển, sở hữu, sản xuất, vận chuyển hay sử dụng vũ khí hóa học.
Theo ông Churkin, trước những báo cáo về hàng nghìn phần tử thánh chiến có thể đã đến được châu Âu, không ai dám chắc trong số này có người mang vũ khí hóa học hoặc kiến thức về chế tạo vũ khí hóa học hay không, cũng như nguy cơ họ dùng vũ vũ khí hóa học tấn công châu Âu.
Đại sứ Nga Churkin cho rằng: “Gần đây chúng ta nhận được nhiều báo cáo về việc các nhóm khủng bố ở Syria và nước láng giềng Iraq sử dụng vũ khí hóa học.
Chúng ta nhận ra rằng có những lỗ hổng hoặc thiếu sự liên kết trong vấn đề này. Chúng ta không làm gì trước khả năng khủng bố thực sự đang phát triển vũ khí hóa học.
Bất chấp những thông tin từ báo chí và nhiều tổ chức khác, Hội đồng Bảo an chưa có hành động nào đáp lại như lập phái bộ tìm hiểu sự thật hay phái bộ điều tra chung. Vì thế, dự thảo nghị quyết của Trung Quốc và Nga soạn thảo sẽ lấp những lỗ hổng mà chúng ta đã phát hiện”.
IS khó gượng dậy sau khi "Bộ trưởng" tài chính bị Mỹ tiêu diệt
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao giấu tên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng, dự thảo nghị quyết này của Nga chỉ nhằm đánh lạc hướng chú ý ra khỏi những cáo buộc về việc Chính phủ Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Đại sứ Nga Churkin đã bác bỏ những cáo buộc đó.
Theo một thỏa thuận do Nga và Mỹ làm trung gian, Chính phủ Syria đã đồng ý phá hủy kho vũ khí hóa học của nước này từ năm 2013. Nhưng một báo cáo mật của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học kết luận rằng ít nhất 2 người tiếp xúc với khí mù tạt ở Marea, phía Bắc Aleppo, Syria, hồi tháng 8 năm ngoái.
Khí mù tạt là một loại chất độc tế bào, tác nhân làm phồng da, hình thành mụn nước trên da khi tiếp xúc. Bên cạnh đó, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cũng phát hiện chất clo được sử dụng như một loại vũ khí hóa học “một cách có hệ thống và liên tục lặp lại”.
Theo OPCW, IS có một nguồn cung vũ khí khổng lồ, đa dạng và hiện đại đến từ 25 quốc gia trên thế giới cùng với một đội quân chế tạo vũ khí đáng gờm.
Hồi tháng 2 vừa qua, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cáo buộc IS sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và Iraq hồi năm 2015.
Trong khi đó, nhóm thánh chiến Quân đội Hồi giáo (Jaish al-Islam) tự xưng hồi đầu tháng cũng thừa nhận đã sử dụng vũ khí hoá học trong một cuộc tấn công nhằm vào các tay súng người Kurd ở phía Bắc tỉnh Aleppo.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ và Nga sẽ tiến hành thảo luận về thông tin vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria./.