Nga xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho Iran
VOV.VN - Nga ngày 11/11 công bố kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới “phục vụ mục đích hòa bình” ở Iran.
Cùng với đó, Nga cũng bày tỏ lạc quan rằng Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân tổng thể và lâu dài vào thời hạn chót trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa.
Tuy nhiên, đây dường như không phải là quan điểm chung được chia sẻ trong nhóm P5+1, đặc biệt khi thực tế cuộc gặp tại Oman kết thúc ngày 11/11 mà không đạt được sự đột phát nào. Điều này khiến dư luận càng thêm chắc chắn rằng các bên sẽ phải xem xét việc lùi thời hạn chót 24/11 tới.
Nga cho biết sẽ xây thêm đến 8 lò phản ứng hạt nhân mới cho Iran, trong đó có 4 lò phản ứng tại nhà máy điện Bushehr ở miền Nam nước này và 4 lò phản ứng ở địa điểm khác trong tương lai.
Nga cam kết, các lò phản ứng này tuân thủ quy định an toàn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và sẽ có kế hoạch đưa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trở về Nga để xử lý, lưu giữ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, Moscow sẽ tiếp tục hợp tác với Tehran trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, đồng thời tin tưởng rằng Iran và nhóm P5+1 đang đạt được những tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực đàm phán và có thể đạt được một thỏa thuận vào ngày 24/11 tới.
Tuy nhiên, Israel trước đó đã lên tiếng cảnh báo nhóm P5+1, trong đó có Nga, rằng không thể tin tưởng Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, Iran “không bao giờ trung lập, ngoan cố và không thể cải tổ”.
Ông cũng chỉ trích việc lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vẫn tiếp tục kêu gọi “xóa sổ” Israel khi các bên đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận hạt nhân tổng thể và lâu dài.
Trong một thông điệp gửi Liên đoàn Do thái ở Bắc Mỹ hôm qua, ông Netanyahu kêu gọi cộng đồng quốc tế giải tán chương trình hạt nhân của Iran, thay vì dựa vào thu thập thông tin tình báo và cử các thanh sát viên quốc tế đến để đảm bảo rằng chương trình này chỉ phục vụ mục đích hòa bình.
Thủ tướng Israel chỉ ra rằng: “Nhiều năm qua, tình báo Israel và Mỹ đã không thể phát hiện những cơ sở làm giàu hạt nhân bí mật của Iran ở Natanz và Qom. Chính vì thế, không có lý do gì để tin rằng hoạt động tình báo của chúng ta lại hoàn hảo trong tương lai.
Về phía các thanh sát viên quốc tế, họ đã không thể ngăn cản Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sở hữu bom hạt nhân. Và trong 10 năm trì hoãn mà Iran đưa ra cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các thanh sát viên cũng sẽ không thể ngăn cản Iran sở hữu bom hạt nhân”.
Israel từng không ngần ngại đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu Iran tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Nhưng lần này, Thủ tướng Netanyahu khá bình tĩnh cảnh báo rằng, sự thất bại của tiến trình đàm phán hạt nhân hiện nay sẽ mang các lệnh trừng phạt trở lại, thậm chí khắt khe hơn, nhằm buộc Iran cuối cùng phải phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này.
Giới quan sát cũng đã dự báo trước rằng, Israel sẽ dùng ảnh hưởng mật thiết với phe Cộng hòa Mỹ chuẩn bị nắm quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội vào đầu năm sau để buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama áp đặt các lệnh trừng phạt gắt gao hơn với Iran.
Trong một tuyên bố xoa dịu đồng minh ở Trung Đông, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/11 cam kết, nước Mỹ “sẽ không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 11/11 cho biết: “Chúng ta không thể có một thỏa thuận khả thi nếu không có cơ chế giám sát nghiêm ngặt và có thể xác minh lại được. Iran có thể có nhiều cách để chế tạo vũ khí hạt nhân và mục tiêu của chúng tôi là cắt đứt mọi con đường đó. Cơ chế giám sát là chiếc chìa khóa cho vấn đề này nhưng đây là cuộc đàm phán mang tính kỹ thuật cho một thỏa thuận cũng mang tính kỹ thuật nên chúng ta không thể biết trước kết quả cuối cùng sẽ như thế nào”.
Bà Psaki cũng nhấn mạnh rằng, điểm mấu chốt của đàm phán hạt nhân Iran hiện nay “không phải là sự đột phá lớn mà là từng cột mốc trong tiến trình này”.
Đây là lời thanh minh cho sự thất bại của cuộc gặp giữa các bên kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ ở Muscat, Oman ngày 11/11.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã miêu tả cuộc gặp này là “không nhượng bộ, thẳng thắn và nghiêm túc”, song nhấn mạnh “vẫn còn thời gian” để đạt được tiến bộ. Bà Saki cũng cho biết, các bên sẽ lại nhóm họp vào tuần sau./.