Nghi ngờ quanh lệnh ngừng bắn 12 bước giữa Ukraine và phe nổi dậy
VOV.VN - Các lãnh đạo Mỹ và EU đón nhận thỏa thuận hòa bình với sự thận trọng, trong khi vẫn nỗ lực gây sức ép kinh tế lên Moscow.
Các lực lượng Ukraine và lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine tuyên bố họ đã ngừng các hoạt động quân sự khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 6h tối (giờ địa phương) ngày 5/9.
Tổng thống Ukraine Poroshenko cho biết đàm phán sẽ tiếp tục trong quá trình ngừng bắn nhằm đạt được một nền hòa bình dài lâu. Ông cho biết nghị định thư đã nói rõ “12 bước để thiết lập hòa bình và ổn định” các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, với sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine”.
Trong khi đó, các lãnh đạo phe nổi dậy, bao gồm nhiều người muốn độc lập hoàn toàn, cho biết vấn đề địa vị pháp lý của các vùng này sẽ là chủ đề cho các cuộc thương thuyết tương lai.
Các quan chức Nga đã nhanh chóng chào đón thỏa thuận này. Interfax dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Ở Moscow chúng tôi hy vọng các điều khoản trong thỏa thuận đã đạt được sẽ được các bên tuân thủ nghiêm ngặt và tiến trình thỏa thuận sẽ tiếp diễn nhằm mang lại một giải pháp triệt để cho khủng hoảng ở Ukraine.
Thỏa thuận này có thể có lợi cho tất cả các bên. Ukraine có thêm thời gian để củng cố năng lực quốc phòng. Nga thì tránh được sự xa cách hơn với phương Tây.
Các lãnh đạo Mỹ và EU đón nhận thỏa thuận hòa bình với sự thận trọng, trong khi vẫn nỗ lực gây sức ép kinh tế lên Moscow.
Tổng thống Obama nói là ông hy vọng vào hiệu quả của thỏa thuận, nhưng dựa trên trải nghiệm quá khứ, thì phải kiểm nghiệm thỏa thuận này.
Các quan chức Mỹ từ chối đưa ra chi tiết về các lệnh trừng phạt sắp tới nhằm vào Nga nhưng họ sẽ tham vấn các đối tác EU.
Ông Obama cho rằng việc trừng phạt sẽ vẫn diễn ra bởi vì thỏa thuận hòa bình cần thời gian để thực thi.
Thủ tướng Anh David Camerom cũng cho rằng sẽ phải tiếp tục loạt trừng phạt mới và lệnh trừng phạt chỉ được dỡ bỏ khi Nga đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định trong thực hiện thỏa thuận. “Ngừng bắn là tin tốt, kế hoạch hòa bình sẽ tốt hơn, nhưng chế tài trừng phạt thì vẫn tiếp tục”.
Trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với phóng viên rằng châu Âu cần chuẩn bị gỡ bỏ việc thực thi các chế tài mới đối với Moscow nếu như Nga có những bước đi thực sự để gỡ ngòi xung đột./.