Nghị sỹ Mỹ muốn gửi thông điệp cảnh báo cứng rắn tới Nga trước bầu cử
VOV.VN - Nghị sỹ Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga cần phải được chuẩn bị trước khi ông Trump gặp ông Putin lần thứ 2.
Một số nghị sỹ của Đảng Cộng hòa hôm 22/7 cho biết, Mỹ cần phải đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nhằm ngăn chặn mọi hành vi can thiệp có thể diễn ra trong cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ. Theo dự kiến, cuộc bầu cử quốc hội của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11/2018.
Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham. Ảnh: Business Insider. |
Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham cho rằng, các biện pháp trừng phạt bổ sung cần phải được chuẩn bị trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Nga Putin. Tại cuộc gặp Thượng đỉnh chính thức đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan hôm 16/7 ông Trump đã vấp phải làn sóng chỉ trích nghiêm trọng do thất bại trong việc buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm cho cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Phát biểu trong chương trình “Đối diện với quốc gia” (Face the nation) của Đài truyền hình CBS, ông Graham cho biết: “Chính phủ cần phải làm việc với Quốc hội để đưa ra các biện pháp trừng phạt mới. Chúng ta cần những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, “treo trên đầu” Tổng thống Putin và sau đó mới gặp ông ấy”.
Bất chấp những lời chỉ trích của các nghị sỹ trong Đảng Cộng hòa về cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên, hôm 20/7, Tổng thống Donald Trump đã mời Tổng thống Putin đến thăm Nhà Trắng vào mùa thu năm nay.
Trả lời phỏng vấn trên kênh “Fox News Sunday”, Hạ nghị sỹ Trey Gowdy, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát và Cải cách Chính phủ thuộc nghị viện Mỹ cho rằng việc đối thoại với Tổng thống Putin về các vấn đề như cuộc nội chiến tại Syria, khác biệt hoàn toàn so với việc đưa ra một lời mời ông Putin đến thăm Nhà Trắng. “Những người đáng nhận được lời mời thăm Washington là đồng minh của Mỹ như Anh, Canada và Australia, và những người bạn luôn ở bên cạnh chúng ta từ ngày này qua ngày khác”.
Còn Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Marco Rubio muốn bỏ phiếu về một dự luật gọi là DETER, theo đó sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nếu các quan chức tình báo Mỹ xác định rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ. Ông Rubio là đồng tác giả của dự luật trên với Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen.
Trả lời phỏng vấn chương trình “State of the Union” trên kênh CNN, ông Rubio nói: “Tôi cho rằng điều không thể bàn cãi ở đây là Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ và sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong tương lai”.
Dự luật DETER là gì?
Trước đó hôm 19/7, hai nghị sỹ Rubio và Van Hollen, đã nêu bật thách thức mà Mỹ phải đối mặt, đồng thời hối thúc người đứng đầu Ủy ban đối ngoại và Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ tổ chức phiên điều trần về dự luật DETER trước khi Quốc hội nước này tạm nghỉ vào đầu tháng 8/2018.
Dự luật DETER sẽ khiến việc ban hành các biện pháp trừng phạt trở nên tự động và linh hoạt hơn, nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác của Nga. Theo dự luật, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ được yêu cầu phải đưa ra kết luận về việc có hay không một quốc gia bên ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, khoảng 1 tháng sau khi người dân bỏ phiếu. Nếu hành vi can thiệp bầu cử bị phát hiện, các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt sẽ được ban hành trong khoảng 10 ngày.
Tuần trước, ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ đánh giá dự luật này là một biện pháp tiềm năng mà Quốc hội có thể xem xét để chống lại Nga, trong khi lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ - nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer thì kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tấn công bầu cử.
Trong khi nhiều nghị sỹ của Đảng Cộng hòa ra sức ủng hộ cho dự luật DETER, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết, ngành công nghiệp khí đốt và dầu mỏ tại quốc gia này lại đang vận động các ý kiến chống lại dự luật này vì lo ngại, gia tăng trừng phạt Nga có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư của nhiều doanh nghiệp Mỹ tại Nga.
Tuy nhiên theo nghị sỹ Dân chủ Chris Coons, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến vô cùng khó khăn nếu họ muốn phong tỏa hoặc vô hiệu hóa dự luật này.
Năm 2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Chịu sức ép của Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt với nhiều quan chức và các nhà tài phiệt của Nga hồi tháng 4/2018. Tổng thống Nga Putin nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ./.
Ông Trump bất ngờ quy trách nhiệm cho ông Putin can thiệp bầu cử Mỹ
Ông Trump thừa nhận nói nhầm về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016