Những nội dung đáng chú ý của Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN
VOV.VN - Hội nghị đặc biệt cấp cao Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra tại thủ đô Washington trong hai ngày 12/5 và 13/5. Ngoài mục đích kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, lãnh đạo các nước cũng sẽ thảo luận những vấn đề nóng trên thế giới.
Trong khi đang tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục tăng cường can dự với châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Biden sẽ tiếp đón lãnh đạo các nước Đông Nam Á tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại thủ đô Washington trong hai ngày 12/5 và 13/5. Sự kiện này nhằm thể hiện cam kết lâu dài của chính phủ Mỹ đối với khối Đông Nam Á.
Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN sẽ chính thức kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN và là cơ hội để Washington củng cố quan hệ đối tác với các nước trong khu vực. Các chủ đề sẽ được thảo luận tại sự kiện này dự kiến bao gồm Covid-19, an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững. Các bên cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Cuộc khủng hoảng Ukraine
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine dự kiến sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính. Tháng 3 vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. ASEAN sau đó cũng nêu rõ quan điểm không ủng hộ việc sử dụng vũ lực.
Tình hình chính trị tại Myanmar
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar đã khiến tình hình nhân đạo ở nước này xấu đi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, ASEAN vẫn chưa đạt được đột phá đối với tình hình tại đây. Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể sau khi được thông qua hồi tháng 4 năm ngoái.
Ứng phó với COVID-19
Mặc dù tình hình đại dịch toàn cầu đã ổn định, các biện pháp nhằm ngăn chặn hậu quả trong tương lai vẫn cần thiết. Covid-19 tiếp tục là chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN. Trong bối cảnh thế giới đang phục hồi sau đại dịch, các biến thể mới trong tương lai vẫn có thể tạo ra những làn sóng lây nhiễm lớn. Mỹ và ASEAN sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống Covd-19. Tổng thống Biden dự kiến sẽ thuyết phục lãnh đạo các nước ASEAN chuyển chiến lược ứng phó Covid-19 của mình sang gần với cách tiếp cận của Mỹ.
Tính trung bình tới cuối tháng 4, mỗi nước ASEAN đã tiêm phòng cho ít nhất 59% dân số của mình, trừ Myanmar do tình hình bất ổn chính trị trong nước. Các lãnh đạo Mỹ và ASEAN sẽ cần tăng cường phối hợp và quan hệ đối tác nhằm củng cố hệ thống y tế toàn cầu và chuẩn bị một giải pháp ứng phó toàn diện hơn cho các biến thể mới có thể được phát hiện sau này. Mỹ cũng có thể tiếp tục hỗ trợ thêm vaccine cho các nước trong khu vực nhằm giúp các nước này phục hồi sau đại dịch.
Hợp tác an ninh hàng hải
Trong khi đang thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Mỹ cũng tìm cách tăng cường hợp tác hàng hải với các nước trong khu vực nhằm duy trì hoàn bình và ổn định khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Cuộc diễn tập quân sự trên biển đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN (AUMX) được tổ chức năm 2019.
Đối với Washington, hội nghị cấp cao trong tuần này là cơ hội để Mỹ thúc đẩy hợp tác hàng hải với ASEAN bao gồm các cuộc diễn tập quân sự, huấn luyện và chia sẻ thông tin.
Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã xa rời các đối tác châu Á khi rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực tiếp tục được mở rộng. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm khôi phục lòng tin đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.
Trong nỗ lực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mới được xây dựng sẽ là một công cụ giúp Mỹ gia tăng hiện diện kinh tế ở khu vực và là đối trọng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và 4 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác. Với IPEF, Mỹ sẽ nỗ lực lấy lại sự ủng hộ và lòng tin của các đồng minh châu Á.
Đáng chú ý, IPEF sẽ bao gồm 4 trụ cột: thuận lợi hóa thương mại, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và phi carbon hóa, và thuế và chống tham nhũng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy một số hình thức hợp tác kinh tế cụ thể. Bản thân tên gọi “khung” đã cho thấy định hướng và các triển vọng tương lai không rõ ràng của IPEF.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao, Tổng thống Biden dự kiến sẽ giải thích chi tiết khái niệm IPEF và tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác ASEAN trong việc thực hiện khung này. ASEAN sẽ hoan nghênh mọi sáng kiến nếu các sáng kiến này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng, tuy nhiên, khối này cũng cần thận trọng khi điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các siêu cường quốc và cản trở vai trò trung tâm của ASEAN./.