Phản ứng của các bên sau khi Pháp công nhận Nhà nước Palestine
VOV.VN - Trong khi người dân Palestine và nhiều nước phương Tây đều bày tỏ thái độ vui mừng thì Israel lại cực lực lên án.
Quốc hội Pháp ngày 2/12 đã thông qua nghị quyết đề nghị Chính phủ nước này công nhận Palestine là quốc gia độc lập. Trước đó, Quốc hội Anh và Tây Ban Nha cũng thông qua nghị quyết tương tự.
Điều này có thể thấy ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu ủng hộ nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine như một cách thức để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.
Với 339 phiếu thuận, 151 phiếu chống và 16 phiếu trắng, ngày 2/12, Quốc hội Pháp đã thông qua nghị quyết đề nghị Chính phủ Pháp công nhận Nhà nước Palestine nhằm đạt được giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Mặc dù nghị quyết này không mang tính ràng buộc đối với Chính phủ Pháp vì hệ thống hành pháp nước này là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định công nhận chính thức một nhà nước hay không, nhưng nó có tính biểu tượng cao trong bối cảnh sức ép đòi công nhận Nhà nước Palestine đang dâng cao tại châu Âu trước tiến trình hòa bình Trung Đông bị ngưng trệ.
Quyết định của Quốc hội Pháp được dư luận Palestine hoan nghênh. Người dân Palestine tỏ rõ vui mừng khi có thêm nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu Âu tiếp tục công nhận Nhà nước Palestine.
“Pháp là một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và họ đã ủng hộ người dân Palestine chúng tôi. Đây là một bước đi, có thể là chỉ mang tính biểu tượng đối với một số người song đối với người dân Palestine, nó lại vô cùng quan trọng”, một người Palestine nói.
“Đây là một tin tức tích cực. Nó cho thấy, vấn đề Palestine là đúng đắn và người dân Palestine đã đi đúng hướng”, một người Palestine khác nói.
Trong khi đó, quyết định của Quốc hội Pháp tất nhiên bị Israel chỉ trích gay gắt. Bộ Ngoại giao Israel trong một tuyên bố đã nói rằng, việc Quốc hội Pháp thông qua quyết định công nhận Nhà nước Palestine sẽ chỉ làm hủy hoại khả năng đạt thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.
Bộ Ngoại giao Israel cũng khẳng định, giải pháp cho xung đột Palestine và Israel chỉ có thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp và trung thực giữa các bên, chứ không phải thông qua các bước đi đơn phương của các bên liên quan hoặc bên thứ 3.
Trước Quốc hội Pháp, Quốc hội Anh và Quốc hội Tây Ban Nha vào tháng 11 vừa qua cũng đã thông qua văn bản không có tính ràng buộc công nhận Nhà nước Palestine.
Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, Thụy Điển đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine và trở thành nước thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên ở Tây Âu có động thái này./.