Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ngày một xa vời

VOV.VN - Hàng loạt động thái của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đang cho thấy cơ hội cho mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ngày một xa vời cũng như khiến thế giới không khỏi lo lắng.

Mỹ - Hàn rầm rộ tập trận quân sự; Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu; nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu mở rộng năng lực hạt nhân, kho vũ khí hạt nhân…

Quốc hội Triều Tiên 2 ngày trước (8/9) thông qua luật mới để thay thế luật từ năm 2013, cho phép Triều Tiên quyền được tấn công hạt nhân phủ đầu nếu có một cuộc tấn công vào ban lãnh đạo của chính phủ hoặc hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của nước này bị đe dọa. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh, chính sách hạt nhân của Triều Tiên là không thể đảo ngược và mọi nỗ lực thương lượng và “mặc cả” về hạt nhân đều không được phép:

“Ý nghĩa quan trọng nhất khi đưa ra luật về vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể đảo ngược, để không thể có bất kỳ cuộc thương lượng nào về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Chừng nào còn vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa đế quốc trên trái đất, công việc tăng cường lực lượng hạt nhân của Triều Tiên sẽ không dừng lại”.

Động thái của Triều Tiên được cho nhằm nâng tầm chính sách răn đe hạt nhân thành chính sách tác chiến hạt nhân, với hiệu quả răn đe lớn hơn; song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, một khi các bên liên quan có tính toán sai lầm. Luật được đưa ra trong bối cảnh Mỹ - Hàn đang gia tăng áp lực lên Triều Tiên, để phi hạt nhân hóa trong đó có việc nối lại cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn. Nó cũng diễn ra giữa lúc nhiều đồn đoán cho rằng Triều Tiên đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới.

Trước bước đi của Triều Tiên, thế giới không khỏi quan ngại. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại các cuộc đàm phán với các bên quan trọng để đạt được hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho biết sẽ theo sát bất kỳ hoạt động quân sự nào trên Bán đảo Triều Tiên. Bộ này cho rằng, chính các động thái của Mỹ đã khiến Triều Tiên cảm thấy rằng an ninh của nước này không thể đảm bảo chỉ bằng phương diện chính trị, mà phải bằng quân sự. Nga đã chỉ trích Mỹ đang làm mất ổn định Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định, lập trường của nước này trong vấn đề Triều Tiên là không hề thay đổi, hối thúc các bên liên quan nhanh chóng trở lại bàn đối thoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) cho biết: “Chúng tôi đã biết về các thông tin. Lập trường của chúng tôi trong vấn đề Triều Tiên không thay đổi. Chúng tôi sẽ hành động phù hợp để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho hồ sơ Triều Tiên”.

Về phần mình, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định, Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên và tiếp tục tìm kiếm các biện pháp ngoại giao với nước này. Mỹ sẽ vẫn tập trung vào việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để giải quyết các mối đe dọa từ Triều Tiên gây ra. Giới chức Nhật Bản khẳng định, Triều Tiên có một lựa chọn để đến bàn đàm phán và thế giới sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho quốc gia này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên