Phó Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc làm rõ về Vùng phòng không
VOV.VN - Ông Biden cũng sẽ dừng chân tại Nhật Bản và Hàn Quốc – 2 quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất với tuyên bố ADIZ của Trung Quốc.
Ngày 27/11 - một ngày sau khi 2 chiếc B-52 của Mỹ bay qua khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, vấn đề này sẽ là chủ đề chính trong chuyến thăm Bắc Kinh của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần tới.
Phó Tổng thống Mỹ sẽ có mặt ở Trung Quốc trong tuần tới để làm rõ về Vùng nhận diện phòng không theo tuyên bố của Bắc Kinh (Ảnh: AP) |
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay: “Rõ ràng chuyến thăm Trung Quốc sẽ là một cơ hội tốt để Phó Tổng thống có thể thảo luận trực tiếp với Bắc Kinh về tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không của họ. Mối quan tâm của chúng tôi là tìm kiếm một lời giải thích rõ ràng về ý định của Trung Quốc”.
Vị quan chức này nói thêm: “Sự có mặt của ông Biden ở Bắc Kinh cũng sẽ làm sáng tỏ câu hỏi về cách mà Trung Quốc tiếp cận với vùng không phận quốc tế và làm thế nào Trung Quốc có thể ‘ăn nói’ với các nước trong khu vực khi láng giềng của họ không đồng tình với cách thức mà Bắc Kinh đang thực hiện”.
Chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới là một phần chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mỹ. Ngoài Bắc Kinh, ông Biden cũng sẽ dừng chân tại Tokyo và Seoul.
Trong khi ở Bắc Kinh, ông Biden sẽ hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường .
Ngày 23/11, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Theo đó, các máy bay bay qua khu vực này phải báo cáo lịch trình các chuyến bay cho Trung Quốc, duy trì trạng thái liên lạc vô tuyến 2 chiều và có dấu hiệu nhận biết quốc tịch của chiếc máy bay.
Vùng nhận diện phòng không này bao gồm cả khu vực biển đang tranh chấp và các hòn đảo trong quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku mà Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền.
Ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trước các phóng viên cho biết: “Chính phủ Trung Quốc có ý chí và khả năng bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã ca ngợi việc Chính phủ Nhật Bản "kiềm chế đúng mức" sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông,
Ông Hagel cũng tái khẳng định chính sách lâu dài, nhất quán của Mỹ với đồng minh Nhật Bản đồng thời cam kết tham vấn chặt chẽ với Tokyo nhằm tránh những vụ việc ngoài ý muốn.
Theo hãng tin Jiji Press của Nhật Bản, ngày 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và ông Hagel đã có cuộc điện đàm trong 30 phút. Qua cuộc điện đàm, hai Bộ trưởng đã nhất trí hợp tác hành động để gây áp lực buộc Trung Quốc phải từ bỏ thiết lập ADIZ.
Ngày 27/11, dưới sức ép của Tokyo, hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là ANA Holdings Inc và Japan Airlines Co cho biết, họ đã quyết định ngừng gửi kế hoạch bay cho chính quyền Trung Quốc đối với bất kỳ máy bay nào đi qua khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là Vùng nhận diện phòng không của họ.
Trong khi đó, tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã có thông báo đến tất cả các hãng hàng không Mỹ để thực hiện các biện pháp an toàn trong bối cảnh căng thẳng mới gia tăng./.