Quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sóng gió
VOV.VN - Căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ lại gia tăng khi Tổng thống Thổ Erdogan tuyên bố không công nhận Đại sứ Mỹ John Bass ở Ankara.
Trong một động thái làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa 2 đồng minh NATO, hôm 10/10 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ tẩy chay các cuộc gặp với Đại sứ Mỹ ở Ankara, ông John Bass, do Thổ Nhĩ Kỳ không còn công nhận vị đại sứ này là đại diện của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan. Ảnh: al-Monitor. |
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ở thủ đô Belgrade, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý và không nhất trí cho Đại sứ Mỹ John Bass, người sắp rời Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được bổ nhiệm làm phái viên Mỹ tại Afghanistan, thực hiện các chuyến chào tạm biệt với các bộ trưởng, chủ tịch quốc hội và với chính bản thân Tổng thống. Tổng thống Erdogan nêu rõ: Thổ Nhĩ Kỳ không coi ông John Bass là đại diện của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vị đại sứ này chịu trách nhiệm chính trong việc gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa 2 nước.
Khủng hoảng ngoại giao nổ ra vào tuần trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Istanbul do cáo buộc có liên hệ với giáo sỹ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Mỹ sau đó quyết định ngừng cung cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng trả đũa bằng quyết định tương tự của chính quyền Mỹ đưa ra trước đó cùng ngày.
Đại sứ John Bass sắp rời Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan và theo thông lệ, các đại sứ sắp mãn nhiệm sẽ có những chuyến thăm từ biệt các quan chức hàng đầu nước sở tại. Tuy ông John Bass chỉ còn ít ngày ở lại Thổ Nhĩ Kỳ song đây là trường hợp chưa có trong tiền lệ lịch sử quan hệ Mỹ-Thổ khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không công nhận đại sứ Mỹ.
Tổng thống Erdogan cho rằng, việc bắt giữ nhân viên lãnh sự quán, dựa trên bằng chứng của cảnh sát chứng tỏ có “điều gì đó đang diễn ra ở lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul” và đại sứ Mỹ là người chịu trách nhiệm chính của vụ việc.
Hôm 9/10 các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cũng triệu tập một nhân viên địa phương làm việc cho lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul, người được cho là đã trốn trong lãnh sự quán nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ vợ và 2 con ông ta.
Từ lâu một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc có bàn tay của Mỹ trong âm mưu đảo chính vào tháng 7/2016, vụ việc mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quy kết trách nhiệm cho giáo sỹ Fethullah Gulen (người đang sống lưu vong ở Mỹ).
Chính phủ Mỹ lên án các vụ bắt giữ là vô căn cứ và làm tổn hại quan hệ giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 10/10 tuyên bố Mỹ lấy làm quan ngại sâu sắc về việc Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động chống lại các quan chức Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi rất thất vọng về việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 2 nhân viên lãnh sự quán. Tôi nghĩ, cần cho phép 2 nhân viên này được tiếp cận luật sư của họ. Theo chúng tôi được biết, họ không được tiếp cận luật sư địa phương. Chúng tôi không thấy có bất kì bằng chứng nào chứng minh những cáo buộc mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt lên họ, do vậy, bước khởi đầu tốt nhất là cho họ tiếp cận luật sư”.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từng hi vọng một chương mới trong quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump sau những trục trặc liên tiếp vào những tháng cuối cùng của nhiệm kì cựu Tổng thống Obama.
Tuy nhiên mọi chuyện không diễn ra như kì vọng, mà xu hướng bất đồng gia tăng do cuộc chiến Syria, cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái và các đơn kiện của tòa án Mỹ đối với một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ gần đây liên tiếp công kích Mỹ, trong đó nhật báo Yeni Safak còn miêu tả Mỹ không phải là đồng minh mà là kẻ thù./.