ADMM tìm kiếm giải pháp ổn định khu vực ASEAN

Những vấn đề nóng như tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia, vấn đề trên Biển Đông được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị lần này.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 6 có chủ đề “Đẩy mạnh thống nhất ASEAN vì một cộng đồng hài hòa và an ninh” diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia từ 28 - 30/5 được xem là cơ hội thảo luận tìm kiếm giải pháp ổn định khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 6 diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines hay tranh chấp quanh ngôi đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia đang nổi lên, nên lẽ dĩ nhiên những vấn đề này đã thành chủ đề chính của Hội nghị. 

Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại lễ khai mạc
Tại Hội nghị, vấn đề đền Preah Vihear dường như đã được giải quyết êm thấm khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng cấp Thái Lan Sukumpol Suwanatat đã nhất trí về việc rút quân. Về phía Thái Lan, ông Sukumpol bày tỏ hy vọng Nhóm làm việc chung của hai nước (gọi tắt là JWG) có thể kết thúc cuộc đàm phán theo hướng rút quân trong cuộc họp tháng tới.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp trên tại thủ đô Phnom Penh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói: “Chúng tôi đã nhất trí Nhóm làm việc chung giữa hai nước sẽ triệu tập cuộc họp lần thứ hai ở Phnom Penh vào tháng sau để tiếp tục thảo luận về việc rút quân. Chúng tôi nhấn mạnh cam kết tuân thủ lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trong thời gian sớm nhất có thể”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukumpol bày tỏ hy vọng Nhóm làm việc chung giữa hai nước có thể kết thúc cuộc đàm phán theo hướng rút quân trong cuộc họp tháng tới. Ông Sukumpol tuyên bố: Thái Lan cũng mong muốn đẩy nhanh tiến trình theo hướng rút quân vì cho rằng tiến trình này chậm trễ sẽ không có lợi cho Thái Lan.

Ông Sukumpol cho rằng, trở ngại lớn đối với vấn đề này là những bãi mìn trong khu vực này.

Trong khi đó, tại Hội nghị, những vấn đề cốt lõi của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) ở biển Đông cũng được đưa ra thảo luận trong ngày 29/5 giữa các bên có liên quan.

Trước đó, các quan chức cấp cao ASEAN ngày 24/5 đã hoàn tất dự thảo những điểm chính để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông. Dự thảo này cũng sẽ được trình lên Ngoại trưởng các nước ASEAN để đưa ra quyết định cuối cùng trong Hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN vào tháng 7 tới.

COC sẽ là bước tiến dài trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông sau Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC). Đây cũng được xem là vấn đề nóng hiện nay khi một số quốc gia thuộc ASEAN như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei thường xuyên có những tranh cãi với Trung Quốc về biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Những động thái gần đây giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough làm cộng đồng quốc tế hết sức lo lắng.

Theo chương trình nghị sự, nhân dịp này, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc về hợp tác an ninh quốc phòng giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có vấn đề giải quyết tranh chấp ở biển Đông trong hòa bình.

Một nội dung nữa cũng được các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm là việc tăng tần suất tổ chức ADMM+ từ 3 năm một lần lên 2 năm một lần. Việc tăng tần suất tổ chức Hội nghị này phản ánh nguyện vọng chung của các nước ASEAN, nhằm phát huy hơn nữa giá trị của cơ chế hợp tác này như một nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh để bảo đảm một môi trường hòa bình, ổn định bền vững trong khu vực. Ngoài ra, ASEAN sẽ có thêm cơ hội để tận dụng được nguồn lực của các nước đối tác để bảo đảm cho việc xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị-An ninh vào năm 2015.

ADMM+ bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 8 quốc gia đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ, chính thức ra đời ngày 12/10-2010 tại Hà Nội là cột mốc trong lịch sử ASEAN.

ADMM+ không chỉ tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau thông qua các cuộc đối thoại định kỳ mà còn có những hợp tác thiết thực. Đến nay, có thể thấy ADMM+ đang phát huy hiệu quả và vai trò của cơ chế này trong cấu trúc an ninh khu vực đang thu hút sự chú ý của nhiều nước.

Chính vì vậy, tiếp nối những thành công của các Hội nghị trước, với những quan điểm được chia sẻ tại Hội nghị lần này, các đại biểu tiếp tục nhấn mạnh: việc hợp tác trong 5 lĩnh vực an ninh phi truyền thống đang làm cho quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thực chất và gắn kết hơn giữa các nước thành viên.

Thông qua sự hợp tác trong lĩnh vực này, các nước cũng gia tăng sự hiểu biết, xây dưng lòng tin, tăng cường tính minh bạch nhằm đảm bảo cho sự hoà bình, ổn định của khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên