Báo Nga: Mỹ sẽ thất bại với âm mưu lật đổ chế độ tại Iran
VOV.VN - Mỹ đang toan tính lật đổ chế độ tại Iran nhưng sẽ thất bại bởi quốc gia Trung Đông này có những đồng minh rất có ảnh hưởng trên thế giới.
Theo Sputnik News, nhận định trên được nhà phân tích chính trị Darius Shahtahmasebi đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tiến hành một chiến lược cứng rắn hơn với Iran do các quan chức cao cấp Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster đề xuất.
Tổng thống Iran Rowhani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Iran- “vật tế thần” cho Mỹ ở Trung Đông
Theo ông Shahtahmasebi, kế hoạch mới của Mỹ bao gồm “một loạt các biện pháp khiêu khích nhằm vào Iran”, bao gồm việc ngăn chặn “Iran tuồn vũ khí sang Yemen” như Mỹ cáo buộc cũng như việc Hải quân Mỹ được phép có những phản ứng mạnh mẽ hơn trong trường hợp nhận thấy “có những hành động khiêu khích” từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
“Đó mới chỉ là những biện pháp mang tính chất bề nổi. Mỹ thậm chí còn thành lập cả một văn phòng thuộc CIA chỉ để tìm cách tiến hành âm mưu lật đổ chế độ tại Iran”, ông Shahtahmasebi.
Cũng theo ông Shahtahmasebi, từ lâu Mỹ đã “khét tiếng” là luôn nhắm đến “các quốc gia đang suy yếu về quân sự lại không có được những đồng minh quan trọng” để tiến hành lật đổ chế độ.
Tuy nhiên, trong khi Libya “sập bẫy” của Mỹ thì các quốc gia khác tại Trung Đông như Syria và Iran lại may mắn có được đồng minh tốt như Nga và việc Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria đã khiến mưu đồ của Mỹ phần nào bị thất bại.
Nhà phân tích Shahtahmasebi khẳng định, chính sách ngoại giao cứng rắn mà Mỹ hướng tới Iran là không có gì mới mẻ. Theo ông Shahtahmasebi, từ nhiều thập kỷ qua, Iran luôn nằm trong tầm ngắm của Mỹ: “Điểm khác biệt duy nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump là ông ta công khai công bố điều này”.
Ông Shahtahmasebi nhận định, Iran trở thành cái gai trong mắt Mỹ tại Trung Đông bởi “quốc gia này có tiềm năng rất lớn về dầu mỏ nhưng lại luôn thể hiện sự độc lập của mình đối với Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nung nấu một “cuộc chiến” với Iran?
Mỹ không thể biến Iran thành Triều Tiên phiên bản Hồi giáo
Nhà phân tích Shahtahmasebi đặt câu hỏi, với việc tiếp tục tìm cách siết chặt trừng phạt Iran với cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân lịch sử để ngăn chặn quốc gia Hồi giáo phát triển chương trình tên lửa của mình, phải chăng Mỹ đang tạo ra “một Triều Tiên thứ 2” tại Trung Đông?
Trước đó, hồi giữa tháng 8, Quốc hội Iran đã bỏ phiếu thông qua việc thúc đẩy chương trình tên lửa nói trên bằng cách tăng số tiền chi cho hoạt động này từ 300 triệu USD lên 520 triệu USD. Quyết định trên được cho là “lời đáp trả” việc ông Trump ký thành luật việc mở rộng gói trừng phạt nhằm vào Iran, Nga và Triều Tiên vào ngày 2/8.
Tuy nhiên, nhà phân tích này cho rằng, với việc Iran đang nhận được sự ủng hộ của các đồng minh có sức ảnh hưởng lớn và cả cộng đồng quốc tế, nhiều khả năng, chiến lược mới mà các quan chức Mỹ đưa ra sẽ thất bại.
Ông Shahtahmasebi viện dẫn việc rất nhiều công ty và tập đoàn lớn của châu Âu đã công khai bày tỏ mong muốn được phát triển quan hệ kinh tế với Iran bởi Iran sở hữu một số lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tại Trung Đông.
“Ngoài ra, Iran đang hợp tác rất chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng như đang hướng tới việc tham gia vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc khởi xướng. Chính Nga và Trung Quốc cũng đã ủng hộ Iran tham gia vào liên minh Á-Âu (Eurasia).
Chính vì thế, theo ông Shahtahmasebi: “Mỹ có thể tiếp tục chiến dịch tuyên truyền biến Iran thành quỷ dữ và mở rộng đội quân ủy nhiệm của mình nhưng họ sẽ phải chấp nhận sự thật rằng Iran đang lớn mạnh và đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực. Iran cũng đã kết thân với rất nhiều quốc gia có tiếng nói quyết định khác”.
Mỹ tìm cách mới thách thức Iran vì không thể hủy bỏ thỏa thuận
Mỹ chỉ có thể tự trách mình
Chuyên gia phân tích Shahtahmasebi nhận định, Mỹ và các đồng minh chỉ có thể tự trách bản thân mình khi thất bại trong việc kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Điều này xuất phát từ việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein – người được coi là chống Iran mạnh mẽ nhất- và thiết lập nên một Chính phủ chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shitte thân Iran tại đây.
Ngoài ra, việc Mỹ tìm cách lật đổ Chính phủ Syria nhằm làm suy yếu dần ảnh hưởng của Iran trong khu vực không những không thành công mà còn vô tình giúp Iran “ghi điểm” với Syria khi họ sẵn sàng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Nếu Mỹ muốn chống lại Iran, họ cần có một chiến lược khác bởi vào thời điểm hiện tại, Iran được coi là đang nắm nhiều ưu thế trong cuộc chiến này”, ông Shahtahmasebi kết luận./.