“Bất ngờ chiến lược” khiến Mỹ phải tính toán lại chiến lược ở Nam Thái Bình Dương

VOV.VN - Việc Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký thỏa thuận an ninh buộc Mỹ phải định hình chính sách riêng ở Quần đảo Solomon cũng như khu vực Nam Thái Bình Dương.

Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông Kurt Campbell dự kiến có chuyến thăm Quần đảo Solomon vào cuối tuần này như một nỗ lực phút chót nhằm ngăn cản thỏa thuận an ninh giữa chính phủ của Thủ tướng Sogavare với Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh lo ngại, thỏa thuận này có thể tạo cơ sở để Trung Quốc trển khai lực lượng và xa hơn là mở căn cứ quân sự tại Quần đảo Thái Bình Dương này.

Chuyến thăm của ông Kurt Campbell được lên kế hoạch từ khi có thông tin về dự thảo thỏa thuận và chỉ chờ Ngoại trưởng 2 nước chính thức ký kết và có hiệu lực.

Tuy nhiên, ngay trước thềm chuyến thăm, ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, thỏa thuận đã được ký kết vào đầu tháng này. Đây được xem như gáo nước lạnh dội vào chuyến thăm của ông Campbell tới Solomon và có thể khiến Mỹ phải thay đổi kế hoạch.

Hiện chưa rõ có bất cứ thay đổi nào đối với văn bản thỏa thuận trước khi 2 bên ký kết hay không. Cả Trung Quốc và Solomon đều chưa công bố thỏa thuận cuối cùng.

Mối lo Solomon trở thành Djibouti của Thái Bình Dương

Theo thỏa thuận mới, Trung Quốc có thể điều quân nhân, nhân viên tình báo và hỗ trợ thông tin, cảnh sát và lực lượng có vũ trang khác tới Solomon. Quần đảo Solomon không đối mặt với mối đe dọa an ninh nào từ bên ngoài có thể biện minh cho mức độ hiện diện quân sự và tình báo như vậy.

Khi bất ổn bùng phát ở thủ đô Honiara cuối năm 2021, Australia, New Zealand và Papua New Guinea đã cử lực lượng tới hỗ trợ cảnh sát địa phương theo đề nghị của Solomon. Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc cũng lần đầu tiên cử cảnh sát tới huấn luyện lực lượng chống bạo động của quần đảo Thái Bình Dương này.

Nhiệm vụ khi đó cùng với thỏa thuận an ninh mới với Solomon là một phần trong chiến dịch rộng hơn của Trung Quốc nhằm thúc đẩy mối quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế với các quốc gia Nam Thái Bình Dương, những nước dù nhỏ và nghèo nhưng lại có thể cung cấp vị trí chiến lược để kiểm soát các vùng rộng lớn của đại dương.

Đây là khu vực được công nhận có vai trò chiến lược từ trước Thế chiến 2. Giành được chỗ đứng ở một số vùng lãnh thổ nhất định tại Thái Bình Dương có thể cho phép Trung Quốc do thám các căn cứ của Mỹ ở Hawaii và Guam hoặc cho phép Trung Quốc tiếp cận các đường liên lạc quan trọng trên biển kết nối Australia với Mỹ.

Việc Quần đảo Solomon ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc có thể dần biến Honiara trở thành Djibouti (nơi Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài). Cũng chính vì lý do này, các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tỏ ra bất ngờ với thỏa thuận giữa Solomon và Trung Quốc. Họ cảm thấy bị “đâm sau lưng” vì thỏa thuận bí mật này.

Thỏa thuận có thể kéo Quần đảo Solomon và Thái Bình Dương vào cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Trung, tương tự như cách khu vực này từng là nơi diễn ra các cuộc chiến quan trọng giữa Nhật Bản và Mỹ trong Thế chiến 2. Các chính phủ có thể thay đổi, nhưng địa lý thì không. Liên bang Micronesia, Fiji, Palau, Tonga, và Papua New Guinea đã công khai bày tỏ lo ngại với Thủ tướng Sogavare nhưng cho tới nay đều không có kết quả gì.

Sai lầm “chí mạng” của Mỹ

Hồi tháng 1/2022, ông Campbell nói rằng, Nam Thái Bình Dương là khu vực mà ông dự đoán nhiều khả năng sẽ có “bất ngờ chiến lược”, đó có thể là một căn cứ hoặc một thỏa thuận an ninh. Tuy nhiên, điều ông Campbell dự đoán không có gì lạ, bởi cả Australia và New Zealand đều đã nêu mối quan ngại này từ vài năm trước.

Tháng 8/2021, ông Matthew Wale, lãnh đạo đảng đối lập ở Quần đảo Solomon thậm chí đã từng cảnh báo Australia về những kế hoạch cụ thể đang được tiến hành. Dù vậy, thông tin này khi đó chưa được chú ý đến. Đó là bởi chính sách của Mỹ đối với Quần đảo Solomon nói riêng cũng như khu vực Tây Nam Thái Bình Dương nói chung có “sai lầm chí mạng”.

Bị phân tán bởi những thách thức toàn cầu khác, chính phủ Mỹ đã “khoán” việc hoạch định chính sách khu vực cho Australia và cách tiếp cận của Canberra, vốn chỉ tập trung vào chính phủ trung ương của Solomon, đã phần nào góp phần vào cú sốc địa chính trị hiện nay. Đã đến lúc Mỹ định hình chính sách riêng đối với Quần đảo Solomon.

Theo bà Anne Marie Brady, giáo sư về chính trị tại Đại học Canterbury, ở Christchurch, Aotearoa, New Zealand, Mỹ có thể “thử” một vài cách tiếp cận chính sách mới đối với Quần đảo Solomon.

Thủ tướng Sogavare tuyên bố rằng thỏa thuận an ninh với Trung Quốc là nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh. Chính phủ của ông đang tìm kiếm các thỏa thuận an ninh với Fiji và Papua New Guinea (PNG), ngoài thỏa thuận hiện có với Australia.

Ông Campbell có thể “lợi dụng” chính điều này để đề xuất một thỏa thuận an ninh giữa Mỹ với Quần đảo Thái Bình Dương.

Thay vì tập trung vào chính phủ trung ương ở Solomon như Australia, bà Brady cho rằng, ông Campbell nên gặp gỡ các nghị sỹ đối lập trong thời gian ở Honiara. Quần đảo Solomon sẽ sớm tổ chức cuộc bầu cử quốc gia. Tỷ lệ ủng hộ ông Sogavare đang suy giảm nghiêm trọng và Mỹ cần có mối quan hệ tốt với tất cả các lực lượng chính trị ở Solomon.

Đã đến lúc Mỹ trở lại Quần đảo Solomon

Mỹ đã vắng bóng trên Quần đảo Solomon trong một thời gian dài và cần sớm mở lại đại sứ quán và cử đại sứ tới đây. Hiện Mỹ chỉ có một văn phòng lãnh sự nhỏ trong tòa nhà khá “khiêm tốn” ở khu bến cảng Honiara. Đại sứ quán gần nhất của Mỹ nằm ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, cách đó 1.600km.

Trong khi đó, Trung Quốc có một tòa nhà 3 tầng khá lớn cho đại sứ quán ở Honiara, có nhiều không gian cho cảnh sát, nhân viên tình báo và quân sự dự kiến được cử tới đây trong thời gian tới.

Ông Campbell có thể tận dụng chuyến thăm tới Solomon để thông báo khởi động lại các kế hoạch bị trì hoãn lâu nay như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, đặc biệt ở Guadalcanal và quần đảo Russell; hay đề xuất hỗ trợ Solomon đối phó với nạn đánh bắt cá trái phép.

Mỹ cho tới nay mới chỉ đóng góp khiêm tốn 25 triệu USD trong dự án Thúc đẩy cạnh tranh, nông nghiệp, sinh kế và môi trường (SCALE). Đây là dịp để Washington cân nhắc mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng ở Quần đảo Solomon thông qua chương trình này.

Quần đảo Solomon hiện rất cần các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ Solomon, theo một số nguồn tin địa phương là khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, không giống như Mỹ và các nhà tài trợ phương Tây, hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được đề xuất dưới dạng nợ và điều này có thể làm gia tăng các khoản nợ hiện có của Solomon.

Cho tới nay, vẫn chưa có dự án cơ sở hạ tầng nào được triển khai. Thay vào đó, Trung Quốc được trao hợp đồng xây dựng sân vận động 74 triệu USD, để Solomon có thể tổ chức Đại hội Thể thao Thái Bình Dương 2023 (Pacific Games).

Điều phối viên Kurt Campbell nói rằng ông hiểu rõ mối đe dọa an ninh đối với khu vực. Nhưng Mỹ cần tăng tốc ở Solomon nói riêng và Nam Thái Bình Dương nói chung. Giờ là lúc cần sử dụng tới các hỗ trợ và nguồn quỹ cấp quân sự để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực chiến lược này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quần đảo Solomon đề nghị các nước tôn trọng thỏa thuận an ninh đã ký với Trung Quốc
Quần đảo Solomon đề nghị các nước tôn trọng thỏa thuận an ninh đã ký với Trung Quốc

VOV.VN - Sau khi Trung Quốc thông báo về việc nước này đã ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến Australia) và Mỹ lo ngại, chính quyền quần đảo Solomon lên tiếng đề nghị các quốc gia tôn trọng quyết định của mình.

Quần đảo Solomon đề nghị các nước tôn trọng thỏa thuận an ninh đã ký với Trung Quốc

Quần đảo Solomon đề nghị các nước tôn trọng thỏa thuận an ninh đã ký với Trung Quốc

VOV.VN - Sau khi Trung Quốc thông báo về việc nước này đã ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến Australia) và Mỹ lo ngại, chính quyền quần đảo Solomon lên tiếng đề nghị các quốc gia tôn trọng quyết định của mình.

Australia thất vọng về thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc
Australia thất vọng về thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc

VOV.VN - Sau khi Trung Quốc thông báo về việc đã ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon, Australia đã bày tỏ thất vọng trước quyết định này đồng thời khẳng định sự xuất hiện của lực lượng an ninh Trung Quốc tại quần đảo Solomon là không cần thiết.

Australia thất vọng về thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc

Australia thất vọng về thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc

VOV.VN - Sau khi Trung Quốc thông báo về việc đã ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon, Australia đã bày tỏ thất vọng trước quyết định này đồng thời khẳng định sự xuất hiện của lực lượng an ninh Trung Quốc tại quần đảo Solomon là không cần thiết.

Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon khiến Mỹ và đồng minh lo ngại
Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon khiến Mỹ và đồng minh lo ngại

VOV.VN - Mỹ, Nhật Bản, New Zealand và Australia lo ngại về thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố ngày 19/4.

Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon khiến Mỹ và đồng minh lo ngại

Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon khiến Mỹ và đồng minh lo ngại

VOV.VN - Mỹ, Nhật Bản, New Zealand và Australia lo ngại về thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố ngày 19/4.