Binh lính Ukraine tiết lộ thực tế chiến trường khốc liệt, đặt hy vọng vào Trump
VOV.VN - Trước tình trạng thiếu vũ khí và lực lượng nghiêm trọng, tinh thần chiến đấu của binh lính Ukraine ngày càng kiệt quệ. Một số người đặt hy vọng vào cam kết chấm dứt xung đột của ông Trump để có được sự nghỉ ngơi cần thiết sau một thời gian giao tranh không ngừng nghỉ.
Binh lính Ukraine kiệt quệ vì giao tranh
Lại một mùa Giáng sinh nữa qua đi, Kyrylo - phó chỉ huy tiểu đoàn của Lữ đoàn cơ giới số 33 của Ukraine cho biết các binh lính không có tâm trạng tốt. Mặc dù "không ai cảm thấy như ngày tận thế sắp đến nhưng tinh thần chiến đấu đang ngày càng sa sút và tồi tệ hơn".
Giáng sinh năm nay đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Ukraine rơi vào tình trạng này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt và lời cam kết chấm dứt giao tranh của ông Trump đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu điều đó có lặp lại lần thứ tư hay không. Ông Trump đã gây sức ép buộc các quốc gia châu Âu tăng viện trợ cho Ukraine trong khi ra tín hiệu rằng viện trợ an ninh từ Mỹ - bên hỗ trợ lớn nhất của Ukraine - sẽ giảm.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử không tiết lộ chi tiết về cách ông định buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải ngồi vào bàn đàm phán, trong khi các phái đoàn Nga và Ukraine đã không gặp nhau kể từ những tháng đầu xung đột năm 2022. Trong những năm qua, các quan chức ở Kiev và binh lính trên chiến trường đã cam kết sẽ chiến đấu cho đến khi lực lượng Nga bị đánh bại và bị đẩy lùi khỏi Ukraine.
Khi được hỏi về lệnh ngừng bắn tiềm năng vào năm 2025, các binh lính thuộc Lữ đoàn 33 của Ukraine cho biết họ hoan nghênh lệnh này nhưng vẫn nghi ngờ việc nó có thể sớm được thực hiện hay không. Nhiều người lo ngại ông Putin sẽ đàm phán hòa bình trong khi các lực lượng của Moscow vẫn tiếp tục giành được lợi thế và duy trì thế chủ động tấn công. Một thỏa thuận hòa bình có thể cũng sẽ chứng kiến Moscow giữ lại các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát - hiện chiếm hơn 20% Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các hoạt động thù địch gần đây có thể kết thúc vào năm tới và Kiev sau đó sẽ nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bằng giải pháp ngoại giao. Một số binh lính hôm 25/12 cho biết họ lo ngại Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ vũ khí quan trọng nếu Kiev không đồng ý nhượng bộ lãnh thổ tạm thời. Những người khác thừa nhận rằng họ đang phải nhượng bộ lãnh thổ ngay cả khi vẫn tiếp tục chiến đấu.
"Có những nơi chúng tôi từng nói về chiến thắng trước đây thì giờ không rõ số phận sẽ thế nào", Kyrylo nói.
“Tôi lo rằng chúng tôi sẽ bị bỏ rơi", một binh lính Ukraine khác tên là Oleksandr, 26 tuổi, cho hay.
Binh lính này chia sẻ: "Có những suy nghĩ len lỏi trong đầu tôi rằng sự hỗ trợ và cung cấp từ các đồng minh của chúng tôi, chẳng hạn như đạn dược sẽ dừng lại. Nếu không có những thứ đó, chúng tôi không có gì để bắn".
Đặt hy vọng vào cam kết của ông Trump
Hầu hết quân nhân Ukraine thừa nhận rằng tình trạng thiếu hụt binh lính hiện nay cũng nghiêm trọng không kém tình trạng thiếu vũ khí. Một số công việc chuyên môn trong Lữ đoàn 33, chẳng hạn như tài xế cho các xe bọc thép chở quân nhân giờ chỉ còn dựa vào 1 người trong tiểu đoàn, làm phức tạp thêm công tác hậu cần để vận chuyển binh lính an toàn từ các vị trí chiến hào.
"Chúng tôi có bộ binh không? Chỉ còn lại một vài người và họ đã hơn 50 tuổi. Họ sẽ làm gì?”, Denys, 37 tuổi - một người điều khiển UAV đặt câu hỏi.
Felix, 39 tuổi - người chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ hậu cần cho đơn vị tiết lộ, các binh lính đơn giản là đã kiệt sức. Họ hy vọng lễ nhậm chức của ông Trump sẽ đánh dấu một bước ngoặt cho cuộc xung đột để hướng tới đàm phán vì nó có thể mang lại cho các binh lính sự nghỉ ngơi rất cần thiết,
"Không thể tiếp tục như thế này được. Chúng tôi đang rút lui và Nga đang tiến xa hơn nữa. Khi nào chiến thắng sẽ xảy ra? Nếu các quan chức của chúng tôi không thể chấm dứt nó thì có lẽ ông Trump có thể".
Lữ đoàn 33 của Ukraine ban đầu được thành lập với kỳ vọng lạc quan là giành lại lãnh thổ. Trước cuộc phản công được mong đợi ở khu vực Zaporizhzhia phía Đông Nam vào năm ngoái, lữ đoàn này là một trong số nhiều đơn vị mới được thành lập. Các thành viên của lữ đoàn được các đồng minh ở nước ngoài huấn luyện để vận hành trang thiết bị phương Tây cung cấp, chẳng hạn như xe tăng Leopard của Đức. Tuy nhiên, sau khi cuộc phản công chững lại do phòng tuyến kiên cố của Nga, lữ đoàn này đã chuyển sang nhiệm vụ phòng thủ.
Hiện nay, đây là một trong những đơn vị đang giữ vị trí nóng nhất tiền quyền, xung quanh thị trấn Kurakhove ở khu vực Donetsk phía Đông Ukraine. Các lực lượng của Nga đã giành được lợi thế nhanh chóng ở đây, tăng cường các cuộc tấn công mà mà các nhà phân tích và nhà quan chức phương Tây cho rằng có lẽ là một nỗ lực kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước lễ nhậm chức của ông Trump và khả năng bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn.