Các giả thuyết về loạt vụ nổ bí ẩn tại căn cứ Nga trên bán đảo Crimea
VOV.VN - Đến nay, giới quan sát vẫn đang tích cực theo dõi, phân tích loạt vụ nổ bí ẩn tại căn cứ quân sự Saki của Nga trên bán đảo Crimea. Có nhiều chi tiết lạ liên quan đến loạt vụ nổ và nhiều giải thuyết đã được đưa ra.
Bức màn bí ẩn
Ngày 9/8/2022, căn cứ không quân Saki (thuộc hải quân Nga) tại vùng Novofedorivka trên bán đảo Crimea đã rung chuyển với một loạt vụ nổ liên tiếp. Rất nhiều bức ảnh và video của người dân đã cho thấy về loạt nổ này. Các hình ảnh vệ tinh cũng ghi nhận những thay đổi của căn cứ đó trước và sau vụ việc.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 12/8 nói rằng "nguyên nhân của các vụ nổ vẫn chưa rõ nhưng những đám mây khói khổng lồ xuất hiện trong các video của nhân chứng gần như chắc chắn là do 4 nơi cất trữ đạn dược không được bảo vệ đã phát nổ".
Một báo cáo tình báo quân sự của Anh hôm 12/8 xác nhận ít nhất 5 máy bay cường kích và 3 máy bay chiến đấu đa nhiệm của Nga đã bị "phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng" trong loạt vụ nổ liên hoàn tại Saki.
Các bức ảnh vệ tinh của hãng Planet Labs cho thấy ít nhất 8 máy bay quân sự bị phá hủy hoặc hư hại sau loạt vụ nổ tại sân bay Saki hôm 9/8.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở thủ đô Washington (Mỹ) hôm 10/8 nói rằng vẫn chưa xác định được nguyên nhân các vụ nổ. Viện này cho rằng những hư hại có thể do nhiều nguyên nhân như lực lượng đặc nhiệm, tên lửa, dân quân du kích, ngay tại chỗ hoặc từ xa.
Bản thân các thông tin bên phía Nga có vẻ cũng không thống nhất trong lý giải nguyên nhân của loạt vụ nổ.
Về nhân sự, một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho rằng có tới 60 phi công và kỹ thuật viên người Nga thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong loạt vụ nổ này. Trong khi đó, phía Nga, trong đó có Bộ Y tế Crimea, xác nhận có 1 trường hợp tử vong và hơn 10 người bị thương.
Nga sử dụng căn cứ không quân Saki để mở các cuộc không kích vào miền Nam Ukraine. Crimea đóng vai trò bàn đạp cho quân đội Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine. Sân bay Saki hỗ trợ nhiều cho hoạt động của hải quân Nga trên Biển Đen. Nếu thông tin về các thiệt hại lớn của Nga tại Saki là đúng thì năng lực của không quân thuộc hải quân Nga đã bị suy giảm không nhỏ.
Các giải thuyết về nguyên nhân gây nổ
1- Pháo kích bằng HIMARS
Ukraine tấn công bằng pháo phản lực cơ động cao HIMARS, loại vũ khí có độ chính xác cao do Mỹ cung cấp. Căn cứ Saki cách tiền tuyến 200km mà HIMARS lại có tầm bắn xa tới 300km.
Nếu HIMARS đã được sử dụng trong vụ này thì hệ thống phòng không S-400 của Nga có vẻ đã không phát huy nhiều tác dụng tại đây.
2- Tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc hành trình, hoặc phóng bom thông minh từ UAV
Một số nhà chuyên gia cho rằng Ukraine đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tên lửa hành trình để tấn công vào căn cứ Saki. Việc sử dụng UAV cũng là một khả năng không thể loại trừ. UAV có khả năng lặng lẽ tiếp cận mục tiêu và phóng bom vào mục tiêu một cách chính xác. Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, phía Ukraine đã sử dụng khá nhiều UAV vũ trang, thường là do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, nhất là trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, một blogger quân sự của Nga tên là Rybar cho rằng, loạt vụ nổ tại căn cứ Saki ít khả năng do tên lửa gây ra.
Rybar lưu ý rằng các du khách và cư dân vùng Novofedorivka (nơi đặt căn cứ Saki) không quan sát thấy có tên lửa lao tới. Vô số video quay tại hiện trường cũng cho thấy không có gì giống tên lửa bay tới cả.
Đài CNN của Mỹ khi xem xét các bức ảnh về căn cứ này vào lúc xảy ra sự cố cũng không phát hiện có rocket bay tới đây.
Còn về UAV thì sau một thời gian bỡ ngỡ ban đầu, quân đội Nga đã tổ chức tốt hoạt động tác chiến điện tử và phòng không để khắc chế các UAV sát thủ của đối phương.
3- Tấn công bằng đặc nhiệm hoặc lực lượng dân quân du kích tại chỗ
Đây cũng là một kịch bản được một số nhà quan sát đưa ra. Trong tình huống này, đặc nhiệm Ukraine sẽ phải điều nghiên kỹ càng, bí mật luồn sâu vào căn cứ và rồi gài thuốc nổ vào cả kho đạn lẫn từng chiếc máy bay.
Lực lượng đặc nhiệm quân đội Ukraine đã được đặc nhiệm Mỹ và đặc nhiệm lục quân Anh huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho tình huống hoạt động sau lưng đối phương. Lực lượng này được cho là đã tiến hành thành công một số cuộc tấn công ở lãnh thổ do Nga chiếm giữ.
Một blogger người Nga khác, tên là Yuri Podolyak, vào hôm 11/8 cho rằng vụ việc xảy ra ngày 9/8 là một vụ tấn công khủng bố. Ông này cũng phê bình các biện pháp bảo vệ an toàn tại căn cứ không quân. Podolyak cho rằng có sự tắc trách từ phía Ban chỉ huy đơn vị này.
4- Tấn công bằng máy bay trực thăng
Blogger Rybar cho rằng một máy bay trực thăng có thể thả một quả bom nhỏ kích nổ kho đạn dược, kéo theo chuỗi nổ dây chuyền trên sân bay. Chưa có bằng chứng về kịch bản này nhưng có một thực tế là trực thăng quân sự Ukraine có xâm nhập vào hậu tuyến đối phương.
5- Vi phạm về an toàn cháy nổ, bảo quản đạn dược
Đây là lời giải thích do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra ngay từ đầu.
Ẩn ý từ Bộ Quốc phòng Ukraine và Tổng thống Zelensky
Sau khi xảy ra loạt vụ nổ ở sân bay Saki, Bộ Quốc phòng Ukraine ghi nhận có các vụ nổ đó nhưng không giải thích về cách thức vụ việc diễn ra, cũng không tuyên bố có sự liên quan nào của Ukraine đối với các vụ nổ.
Như vậy, khác với các trường hợp khác, Ukraine đã không nhận trách nhiệm về "một vụ tấn công" nào đó tại Saki, có lẽ do họ ý thức rõ ràng về khả năng có thể bị Nga tấn công đáp trả trên quy mô lớn, thậm chí vào cả thủ đô Kiev nếu họ công khai tấn công vào Crimea. Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã thề sẽ bảo vệ nơi này đến cùng và sẽ có biện pháp đặc biệt mạnh nhằm vào bất cứ bên nào dám thực hiện tấn công Crimea.
Ngay sau loạt vụ nổ 9/8, có một chi tiết đáng lưu ý là Tổng thống Ukraine Zelensky đã khiển trách các quan chức nước này về tình trạng khoe khoang, tiết lộ các chi tiết trong các cuộc tấn công do quân đội Ukraine tiến hành. Ở đây, nhà lãnh đạo Ukraine không đề cập cụ thể căn cứ Saki.
Tổng thống Zelensky nói: "Chiến tranh nhất định không phải là lúc để khoe mẽ, đao to búa lớn. Các vị càng ít tiết lộ chi tiết cụ thể về các kế hoạch phòng thủ của chúng ta thì điều đó càng tốt cho việc triển khai các kế hoạch đó"./.