Cách đối phó của Việt Nam với Trung Quốc đã kịp thời, phù hợp
VOV.VN - Hành vi của Trung Quốc “thực sự là đe dọa bằng vũ lực mặc dù không có tiếng súng”.
Hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực Biển Đông đã là sai trái, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, vi phạm luật quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn cho rằng họ đúng. Để hiểu rõ hơn hành vi trắng trợn và ý đồ của Trung Quốc, phóng viên VOV online đã phỏng vấn Luật sư, Tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
PV: Phó Cục trưởng Cục Biên giới và Đại Dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong buổi họp báo ngày 8/5 về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 taị vùng biển Việt Nam cho rằng Trung Quốc “kinh ngạc và sốc” trước “chủ đích đâm tàu Trung Quốc của Việt Nam”. Ông bình luận như thế nào về điều này?
Tiến sĩ Trần Công Trục |
Tiến sĩ Trần Công Trục: Thực sự tôi cũng rất kinh ngạc và sốc trước nhận xét này của ông ta. Bởi vì có lẽ là không ai có thể còn nghi ngờ gì nữa về những hình ảnh mà chúng ta đã phát lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy rõ tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng rất cao và dài phun thẳng vào con tàu bé nhỏ của lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Và cũng không ai có thể dựng lên được rằng là có những người kiểm ngư bị thương đang nằm viện được chăm sóc một cách chu đáo. Đây là một sự thật tại sao có thể kinh ngạc được.
Nhưng nếu quả thật Bộ Ngoại giao Trung Quốc kinh ngạc thì tôi cũng mong rằng điều đó là có thực bởi vì nếu như không phải đây là chủ trương của nhà nước, của những người lãnh đạo Trung Quốc thì có lẽ câu chuyện đã khác rồi. Chúng ta hy vọng như vậy.
Chúng ta mong rằng Chính phủ Trung Quốc đừng có ra lệnh làm những điều phi lý và trái với đạo lý như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng đấy là mong mỏi của chúng ta, đấy là tâm nguyện của chúng ta, lòng tha thiết trong quan hệ với người bạn láng giềng Trung Quốc. Nhưng có lẽ sự thật không phải như vậy.
>> Đọc thêm: Trả lời báo chí quốc tế về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên biển Việt Nam
Tôi nghĩ rằng việc đó là việc mà họ đã tính toán và họ thực hiện với cách thức đe dọa, ngăn cản quyền hợp pháp của những lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp của chúng ta trên tại vùng biển hoàn toàn thuộc quyền tài phán của chúng ta, trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là việc chúng ta làm hoàn toàn đúng thủ tục và theo thông lệ quốc tế. Nhưng họ thì ngược lại.
Chúng ta biết rằng việc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 là một sai lầm, sai luật vì họ đã nhằm vào việc khai thác, cướp bóc tài nguyên của chính vùng thuộc lãnh thổ của chúng ta. Đấy là một việc sai. Việc sai trầm trọng hơn nữa là để làm điều đó, họ huy động 80 tàu gồm hải quân, các lực lượng quân sự và việc họ phun vòi rồng và húc vào tàu Việt Nam đấy là hành động vũ lực – mặc dù không có tiếng súng- đấy là điều mà Hiến chương Liên Hợp Quốc ngăn cấm. Hành vi đó thực sự là đe dọa bằng vũ lực mặc dù không có tiếng súng.
Tóm lại, tôi mong rằng những phản ứng kinh ngạc từ phía Trung Quốc đó là sự thật. Và nếu là sự thật, thì xin các bạn Trung Quốc, các đồng chí Trung Quốc cần phải lập tức nắm rõ điều đó để mà có sự điều chỉnh cần thiết và cần phải rút khỏi mọi lực lượng ra khỏi vùng mà luật pháp quốc tế thừa nhận là đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
PV: Dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang đơn phương khiêu khích tại khu vực này. Tuy nhiên, Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào chuyện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc đã bất chấp dư luận quốc tế, coi thương luật pháp quốc tế?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Đấy là cách làm phiền của Trung Quốc. Không còn có một cách đánh giá nào khác nữa bởi vì trong lịch sử của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, vấn đề biên giới lãnh thổ đặc biệt là trên biển, họ đã từng có những lúc dùng lực lượng quân sự để gây ra cuộc xung đột với mục đích xâm chiếm. Họ đã làm như vậy rồi nhưng họ lại nói với quốc tế rằng đây là vì họ dùng biện pháp để tự vệ. Các nước liên quan đã xâm phạm chủ quyền của họ nên họ phải tự vệ.
Đấy là cái lý của họ. Cái lý ấy đưa ra theo cách nói dân gian là “vừa ăn cướp vừa la làng”. Rõ ràng họ đã làm điều sai trái nhưng lập tức họ lại nói rằng họ không phải là người chủ động gây ra, trong khi chúng ta đang cân nhắc làm sao để xử lý để vụ việc theo Luật pháp quốc tế, tránh gây tổn hại đến quan hệ hai nước, thì họ đã chủ động triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và nói rằng chúng ta là người gây ra sự kiện đó.
Khi Mỹ hoặc một số quốc gia khác nếu có ý kiến về sự bất hợp pháp này thì họ lại nói các ông can thiệp vào, đấy là mục tiêu của họ. Tất cả những động thái đó là sự tính toán để làm sao có thể đặt được giàn khoan hải dương và tránh được tất cả búa rìu dư luận cũng như phản ứng quốc tế bất lợi cho họ. Đấy là cách đi của Trung Quốc. Và người ta thừa biết chuyện đó rồi. Đấy là bài rất cũ rồi. Không có gì mới.
PV: Trung Quốc đã rất nhiều lần thử phản ứng của Việt Nam, nhưng lần này có lẽ Trung Quốc đang làm thật để thực hiện yêu sách trên Biển Đông?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng sự kiện này không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thử. Việc thử họ đã làm rồi, họ làm khá lâu rồi. Với những chuyện mà họ đã từng gây ra như là cắt dây cáp thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ra các lệnh cấm, bắt tàu đánh cá Việt Nam…những sự kiện đó trước đây họ đã thử và họ đã tính toán thử thách đó với tất cả phản ứng khác nhau của các bên liên quan từ nước lớn như Mỹ đến những nước có lợi ích trực tiếp và gián tiếp.
Tàu Trung Quốc tại khu vực Biển Đông (Ảnh: Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam) |
Đặt bước đi này trong bối cảnh bây giờ, họ biết rằng họ phải đi một bước nữa, đặt một giàn khoan vào vị trí đã tính toán để họ hiện thực hóa yêu sách của họ.
Lần này tôi nghĩ Trung Quốc không phải thử nữa mà họ đã làm thật. Họ đã làm thật sau khi họ đã thử. Họ đã thách thức trực diện đối với lợi ích sống còn của chúng ta. Và họ bất chấp tất cả những luật pháp và luật biển quốc tế.
Rõ ràng họ vào vùng này không có liên quan gì cái gọi là vùng biển thuộc quần đảo mà họ gọi là Tây Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam đã lâu. Vùng này hoàn toàn nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chứ không hề có chuyện đây là vùng chồng lấn và không hề có chuyện đây là vùng thuộc quần đảo mà họ gọi là Tây Sa. Cho nên việc họ đặt chân vào đây là một sự vi phạm cực kỳ trắng trợn.
PV: Theo ông, với hành vi vi phạm trắng trợn đó của Trung Quốc, những phản ứng vừa qua của Việt Nam đã đủ?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Những hành động của nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa rồi khá kịp thời, khá kiểm soát và nó thể hiện sự kiềm chế và bình tĩnh của chúng ta. Tất nhiên có nhiều người chưa hiểu, chưa nắm được cách thức và bản chất vấn đề.
Cách xử lý của Việt Nam đã chính xác, kịp thời và khôn ngoan và tránh được cạm bẫy của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng những động thái vừa rồi của Trung Quốc đã bày ra rất nhiều cạm bẫy. Ngoài những cạm bẫy về mặt pháp lý thì nếu chúng ta không xử lý khôn khéo thì họ có cớ để họ làm lớn hơn. Có một điều nên nhớ rằng đây là cách của Trung Quốc. Họ dựa vào thế mạnh của họ để thực hiện mục đích.
Chúng ta cần phải tiếp tục bằng những động thái mạnh mẽ hơn nữa, nâng cấp hơn nữa sự phản đối về mặt ngoại giao, về mặt tiếng nói chính thức của Nhà nước ở cấp cao hơn, ở cơ quan quyền lực cao hơn.
Chúng ta có quyền làm và đấy là điều hết sức thông thường trên quốc tế và trong quan hệ quốc tế. Điều đó không có nghĩa là chúng ta làm ảnh hưởng gì đến quan hệ đối ngoại mà là vì chúng ta muốn bảo vệ quan hệ này lâu dài, bền vững. Nếu chúng ta không làm chuyện này một cách đúng đắn và đầy đủ, nó có thể có những ảnh hưởng, ảnh hưởng ngay cả quan hệ của chúng ta, ảnh hưởng ngay cả uy tín nước Trung Quốc mà chúng ta muốn có quan hệ. Đấy là biện pháp rất cần thiết và trước mắt.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng song song với biện pháp đó, chúng ta nên tranh thủ dư luận những thông tin, tiếng nói của quốc tế. Vừa rồi tôi rất mừng và tâm đắc với những chia sẻ của các chuyên gia, luật gia, các nhà bình luận quốc tế. Họ đều thống nhất quan điểm rằng Trung Quốc đã làm sai, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý, vi phạm đến lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực, đặc biệt Việt Nam. Tôi nghĩ hầu như đều có tiếng nói chung, đấy mới là sức mạnh, đấy là biện pháp mạnh mẽ của chúng ta trong khi đối phó với Trung Quốc.../. >> Xem phần 2: Trung Quốc đang đánh mất uy tín của chính mình