GS.TS Jonathan London: Một quyết định rất vô trách nhiệm của Trung Quốc
VOV.VN - Theo GS.TS Jonathan London, hành động của Trung Quốc dường như mang nhiều động cơ chính trị hơn là thuần tuý nhằm mục đích kinh tế.
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 5h22’ ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 được thả trôi tại tọa độ 15o29’55’’ vĩ Bắc – 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.
Các tàu của Trung Quốc bao gồm tàu quân sự đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật, tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về người và tài sản.
Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Jonathan London, chuyên gia Việt Nam và phát triển học ở Đông Nam Á, trường Đại học thành phố Hongkong (Trung Quốc) xoay quanh vấn đề này.
GS.TS Jonathan London |
PV: Ông có bình luận như thế nào về việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
GS.TS Jonathan London: Tôi nghĩ rằng cả thế giới đều coi đó là một hành động khiêu khích và cho rằng nó không giúp giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Thách thức chủ yếu của Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay là phải đối mặt với Trung Quốc trong khi nước này dường như không có thiện chí giải quyết vấn đề này.
Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất nhạy cảm đối với tất cả các quốc gia trong khu vực. Chúng ta cần phải tìm cách vượt qua những căng thẳng hiện nay và bắt đầu đối thoại nhằm giải quyết vấn đề này theo luật pháp quốc tế cũng như thông qua đàm phán song phương và đa phương.
Nếu không làm được như vậy, vấn đề này sẽ gây bất ổn lâu dài trong khu vực và sẽ gây tổn hại không chỉ cho Việt Nam mà cả Trung Quốc. Điều này cũng có thể khiến tình hình thế giới trở nên bất ổn.
Khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để ổn định tình hình. Chúng ta cần phải đưa các bên trở lại bàn đàm phán.
Tôi có thể nói rằng việc đưa một giàn khoan trị giá 1 tỷ USD từ một nơi rất xa vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dường như mang nhiều động cơ chính trị hơn là một hành động thuần tuý về mục đích kinh tế.
Hành động này của Trung Quốc được nhiều người cho là rất nghiêm trọng và vi phạm luật pháp quốc tế.
Các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đều cho rằng mình có những bằng chứng không thể chối cãi được về chủ quyền của mình trên biển Đông. Nếu như vậy, các nước nói trên cần trình những bằng chứng này lên một toà án trọng tài quốc tế có đủ thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hành động của Trung Quốc khi dùng vòi rồng tấn công tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam, cũng như đâm húc tàu Việt Nam gây hư hại tàu và làm nhiều người bị thương?
GS.TS Jonathan London: Đây là một sự việc rất đáng tiếc khi mà tàu của Việt Nam đang thực thi bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Bản thân hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã là một hành động vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Hơn thế nữa Trung Quốc còn ngang nhiên đưa tàu của mình vào cản trở việc thực thi pháp luật của phía Việt Nam.
Như vậy, cùng một lúc, Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế khi vừa cố tình tìm cách khai thác khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa có những hành động cố tình khiêu khích Việt Nam trong khi phía Việt Nam đang rất kiềm chế để tránh xung đột.
PV: Việc Trung Quốc mang tàu quân sự đến khu vực này có làm thay đổi tính chất của sự việc?
GS.TS Jonathan London: Đây rõ ràng là chủ ý của Trung Quốc và việc mang tàu quân sự đến khu vực không chỉ có ảnh hưởng về mặt chính trị và kinh tế mà còn cả về mặt quân sự.
Điều này khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng và về lâu về dài các nước trong khu vực sẽ phải chạy đua vũ trang để đáp ứng khả năng tự vệ của mình.
Rõ ràng những diễn biến leo thang căng thẳng trên biển Đông có liên quan trực tiếp đến chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Thực tế rằng việc Trung Quốc đưa tàu quân sự sang giám sát việc khai thác khoáng sản dưới đáy biển Việt Nam là một sự vi phạm các quy định quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
PV: Theo ông, hành động của Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào tới an ninh biển Đông nói riêng và an ninh khu vực nói chung?
GS.TS Jonathan London: Hành động trên của Trung Quốc có thể coi là tiếp nối những hành động quấy rối của tàu Trung Quốc đối với tàu Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Việc Trung Quốc cố tình đưa tàu đến biển Đông, trong trường hợp cụ thể này là đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cố gắng đạt mục đích là đặt được giàn khoan tại đây.
Việc này không chỉ gây leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam mà có thể dẫn tới những xung đột không đáng có và trong trường hợp xấu nhất có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Đây là một sự việc mà chúng ta không hề mong đợi và là kết quả của một quyết định rất vô trách nhiệm từ phía Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!./.