Đặc phái viên Mỹ tới Đông Bắc Á: Bán đảo Triều Tiên sẽ “hạ nhiệt”?
VOV.VN - Dư luận kỳ vọng vào động thái tích cực từ phía Mỹ-Nhật-Hàn cho vấn đề Triều Tiên, cũng như 1 cuộc gặp “đầy bất ngờ” tại khu vực Bàn Môn Điếm.
Hôm nay (19/8), Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ bắt đầu thăm Hàn Quốc, ngay khi kết thúc chuyến thăm 2 ngày trước đó tại Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn kết thúc – thời điểm mà Triều Tiên tuyên bố có thể nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều. Dư luận hiện rất kỳ vọng vào 1 động thái tích cực từ phía Mỹ - Nhật – Hàn cho vấn đề Triều Tiên, cũng như 1 cuộc gặp “đầy bất ngờ” có thể có giữa vị quan chức Mỹ này với phía Triều Tiên tại khu vực biên giới liên Triều Bàn Môn Điếm.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. Ảnh: Reuters |
Dự kiến, Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun sẽ có 3 ngày làm việc tại Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng có nên gia hạn hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự song phương với phía Nhật Bản hay không, khi mà căng thẳng thương mại giữa 2 bên gia tăng - điều mà có thể làm suy yếu những hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ - Nhật – Hàn trong vấn đề Triều Tiên.
Theo kế hoạch, Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Lee Do-hoon vào ngày mai (21/8), để thống nhất quan điểm, lập trường giữa các nước đồng minh, trước khi có thể nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.
Điều đáng chú ý, chuyến thăm của ông Biegun tới Hàn Quốc diễn ra đúng thời điểm Mỹ - Hàn kết thúc cuộc tập quân sự chung, diễn tập “Huấn luyện chỉ huy liên hợp” kéo dài 10 ngày, đúng theo kế hoạch - tức vào hôm nay (20/8). Điều này đã khiến dư luận kỳ vọng rất nhiều, rằng chuyến thăm của ông Biegun sẽ là khởi đầu của việc nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, vốn đã đình trệ trong gần 6 tháng qua. Bởi lẽ trong bức thư mới nhất gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng khẳng định rằng, Bình Nhưỡng sẽ ngừng các vụ phóng tên lửa và muốn nối lại đàm phán “ngay khi” cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn kết thúc. Tổng thống Donald Trump từng cho biết:
“Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi cho tôi một lá thư tuyệt vời. Trong thư, ông ấy có nói về những việc Triều Tiên đang làm. Ông ấy không hài lòng về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, dù đó là cuộc tập trận quy mô nhỏ. Như bạn cũng biết, tôi cũng chưa bao giờ thích thú với các cuộc tập trận này và muốn trả tiền cho nó”.
Chính vì vậy, dư luận hiện rất kỳ vọng rằng, tại Hàn Quốc, Đặc phái viên Mỹ sẽ có 1 cuộc gặp bất ngờ, không nằm trong kế hoạch được thông báo, với phía quan chức Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, khu vực biên giới liên Triều. Chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia Hàn Quốc cho biết, một cuộc gặp như vậy hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sẽ không phải là 1 thất bại nếu phía Triều Tiên từ chối 1 cuộc gặp như vậy trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, hôm qua (19/8), tại Nhật Bản, Đặc phái viên Stephen Biegun cũng đã có cuộc gặp với người đứng đầu Vụ Các vấn đề châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kenji Kanasugi để thảo luận về các hợp tác giữa các đồng minh trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và những mối quan ngại của các bên về tiến bộ công nghệ tên lửa của Triều Tiên liên quan đến các vụ thử gần đây của Bình Nhưỡng./.
Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên?