Diện mạo mới của nước Anh khi bước vào triều đại Vua Charles III

VOV.VN - Với việc Vua Charles III chính thức kế vị ngai vàng, nước Anh đã kết thúc triều đại Nữ hoàng Elizabeth II và bước vào một triều đại mới.

Diện mạo mới của Hoàng gia Anh dưới thời Vua Charles III

Việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời và Vua Charles III lên ngôi là sự kiện trọng đại nhất đối với Hoàng gia Anh trong 70 năm qua bởi đây là lần đổi ngôi duy nhất sau 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.

Vì thế, triều đại quân chủ mới của nước Anh chắc chắn sẽ có một diện mạo mới, một diện mạo lạ lẫm với toàn bộ nước Anh cũng như với chính Hoàng gia Anh bởi đại đa số người dân Anh hiện nay đều sống dưới sự trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II trong 7 thập kỷ. Họ quá quen thuộc với điều đó và có lẽ cũng không hình dung được là một sự trị vì của một vị quân chủ khác sẽ như thế nào.

Điều tương tự cũng sẽ đến với Vua Charles III bởi ông được lựa chọn kế vị từ khi lên 3 tuổi nhưng đã phải chờ đợi đến 70 năm mới lên ngôi. Cả cuộc đời của vua Charles III đã học, đã tích luỹ kinh nghiệm và tư duy cho thời điểm này và có rất nhiều nhận định về việc Vua Charles III sẽ dẫn dắt nền quân chủ Anh ra sao.

Dựa vào những hoạt động ưu tiên chính của Vua Charles III trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nhà phân tích tại Anh cho rằng, Vua Charles III sẽ có một số cách tiếp cận khác Nữ hoàng Elizabeth II. Đầu tiên, ông là người được cho là dễ gần với công chúng bình dân hơn, chứ không phải là người luôn duy trì một khoảng cách nhất định như Nữ hoàng Elizabeth II.

Vua Charles III cũng là người hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực môi trường. Từ nhiều năm trước, khi còn là Thái tử, Vua Charles III đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó chắc chắn bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên, tiến hành các hoạt động từ thiện… sẽ là lĩnh vực mới mà Hoàng gia Anh có thể sẽ thể hiện tích cực hơn. 

Ngoài ra, Vua Charles III cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm có thể sẽ tiến hành cải tổ Hoàng gia, thu gọn quy mô Hoàng gia, cắt giảm bớt nhân sự phục vụ, từ bỏ bớt một số đặc quyền của Hoàng gia, như việc mở cửa Điện Buckingham nhiều hơn cho công chúng, thậm chí rời hẳn khỏi Cung điện Buckingham và biến nơi đây thành nơi tổ chức các sự kiện lớn. Nói cách khác, dưới thời Vua Charles III, Hoàng gia Anh có thể sẽ mang một diện mạo đơn giản, gần gũi hơn, đời thường hơn. Nhưng để làm được điều đó thì không chỉ Vua Charles III mà toàn bộ các thành viên còn lại của Hoàng gia, đặc biệt là gia đình hai người con trai của Vua Charles III là Thái tử Williams và Hoàng tử Harry cũng sẽ phải thay đổi nhiều hơn.      

Thách thức của Vua Charles III  

Với 70 năm trị vì, thành tựu to lớn mà Nữ hoàng Elizabeth II để lại là củng cố vị thế của nền quân chủ Anh trong nhiều thập niên đầy biến động chính trị, xã hội và văn hóa. 

Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II gần như không để lại bất cứ một tai tiếng lớn nào. Bà đã giữ gần như trọn vẹn hình ảnh một vị quân chủ có uy quyền, sang trọng, truyền thống nhưng cũng rất hiện đại và được rất nhiều người yêu mến, không chỉ tại Vương quốc Anh mà còn trên phạm vi thế giới, đặc biệt tại các nước thuộc khối Thịnh Vượng chung.

Một trong các ví dụ kinh điển về việc Nữ hoàng Elizabeth II đã giúp Vương quốc Anh duy trì được ảnh hưởng tại các nước thuộc địa cũ là chuyến đi của bà đến Ghana năm 1961, việc bà khiêu vũ cùng Tổng thống Ghana và sau đó thuyết phục được lãnh đạo Ghana từ bỏ ý định rút khỏi Khối Thịnh vượng chung. Vì thế, tiếp nối và duy trì được hình ảnh này của Hoàng gia Anh sẽ là nhiệm vụ hết sức khó khăn với Vua Charles III.

Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu Hoàng gia Anh nhận định rằng Vua Charles III sẽ không thể làm được như Nữ hoàng Elizabeth II, bởi có quá nhiều khác biệt về thời đại, về cách hành xử, cả về những bê bối trong quá khứ dính đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Công nương Diana.

Tuy nhiên, Vua Charles III cũng có thể có các cách tiếp cận khác gần gũi hơn. Nền quân chủ Anh cũng không đối mặt với các thách thức giống như thời đầu trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, do đó, nhiệm vụ trước mắt với Vua Charles III là duy trì được di sản của Nữ hoàng Elizabeth II.

Trong bài diễn văn đầu tiên gửi đến người dân Vương quốc Anh, Vua Charles III cũng đã hứa hẹn sẽ cống hiến hết sức mình để phục vụ người dân và Vương quốc Anh, giống như những hy sinh mà Nữ hoàng Elizabeth II đã thực hiện trong thời gian trị vì.

Về mặt đối nội, mặc dù Hoàng gia Anh luôn duy trì quan điểm trung lập về chính trị nhưng theo giới phân tích tại Anh, một trong những thách thức mà Vua Charles III cần phải hết sức lưu tâm là việc không nên thể hiện công khai các quan điểm chính trị. Đây là điều mà Vua Charles III từng nhiều lần mắc phải khi còn làm Thái tử. Người đứng đầu nền quân chủ Anh cần phải trung lập về chính trị để duy trì sự đoàn kết quốc gia.

Thời gian tiếp theo, khi các cảm xúc về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II dịu xuống, tình cảm của người dân với Hoàng gia Anh chắc chắn cũng sẽ có thay đổi và Vua Charles III khi đó có thể cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề phức tạp khác, như sự gia tăng của những phong trào cộng hoà đòi xoá bỏ chế độ quân chủ tại Anh, hay nhất là tại các nước trong Khối Thịnh vượng chung, như Australia, New Zealand… và nghiêm trọng nhất, có lẽ sẽ là xu hướng ly khai ở Scotland và Bắc Ireland. Một triều đại lịch sử kéo dài 70 năm đã kết thúc nên nhiều khả năng sẽ có những biến động lớn trong triều đại tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên