EU từ chối áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Iran
VOV.VN - Quyết định này được các ngoại trưởng EU đưa ra trong cuộc họp ở Luxembourg ngày 16/4, được xem là nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Bất chấp các áp lực của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vừa nói Không với việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc thế giới với Iran. Đồng thời, EU đã từ chối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran.
EU quyết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP |
Châu Âu dễ bị Iran tấn công hơn Mỹ
Trong cuộc họp của các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Luxembourg đầu tuần này, thì lập luận cụ thể nhất mà các quan chức châu Âu đưa ra nhằm bảo vệ thảo thuận hạt nhân nhóm P5+1, gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức, đạt được với Iran cách đây vài năm, đó là “châu Âu còn hứng chịu mối đe dọa từ Iran nhiều hơn Mỹ”.
Tức là nếu Iran thực sự theo đuổi chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân thì nước này chỉ cần chế tạo tên lửa tầm trung là đã có thể tấn công châu Âu, trong khi cần phải có tên lửa liên lục địa mới có thể đe doạ nước Mỹ. Lý lẽ này được đưa ra nhằm phản bác quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Iran vẫn đang bí mật theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân nhằm đe dọa phương Tây.
Đó là về mặt lí lẽ cụ thể, còn thực chất thì từ vài năm qua, trong vấn đề Iran, các nước châu Âu cũng như bản thân Liên minh châu Âu luôn cho rằng thoả thuận hạt nhân Iran có vai trò quan trọng trong việc giải quyết hồ sơ Iran cũng như tạo sự ổn định cần thiết trong khu vực.
Sâu xa mà nói, thì việc nhiều nước châu Âu bảo vệ mạnh mẽ thoả thuận với Iran là do các nước này đã và đang xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ ở quy mô lớn với Iran, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, các nước châu Âu không muốn Mỹ phá huỷ thoả thuận, đồng nghĩa với việc phải áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt Iran và như thế là phá huỷ luôn các lợi ích của mình.
Quyết định vừa đưa ra cho thấy, Liên minh châu Âu sẽ vận động Mỹ rất mạnh từ nay cho tới ngày 12/5, tức là thời điểm mà Tổng thống Donald Trump sẽ phải quyết định liệu có gia hạn việc thực hiện thoả thuận hạt nhân với Iran hay không.
EU vẫn muốn răn đe Iran?
Trong cuộc họp tại Luxembourg thì có 2 điểm nổi bật. Thứ nhất, đa số các nước châu Âu cũng như Uỷ ban châu Âu đều muốn duy trì thoả thuận hạt nhân 2015 ký với Iran vì cho rằng, việc xoá bỏ thoả thuận này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của các nước châu Âu mà còn đẩy hồ sơ Iran trở lại thế bế tắc như đã kéo dài 13 năm trước đó và như vậy sẽ càng khiến cho khu vực Trung Đông thêm phức tạp.
Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp này, có một vài nước tỏ ý muốn có thêm các biện pháp trừng phạt Iran do cáo buộc nước này đóng vai trò mờ ám trong cuộc chiến hiện nay tại Syria. Cụ thể, các nước như Đức hay một vài nước Baltic cho rằng Iran hiện đang ủng hộ công khai về mặt quân sự cho chính quyền của ông Bashar Al Assad tại Syria, vì thế phải tính đến các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Đây là điểm khiến các thành viên EU bất đồng. Tuy nhiên, sự bất đồng này không đủ lớn để tạo ra các tranh luận gay gắt và theo nguyên tắc đồng thuận thì Liên minh châu Âu sẽ không thông qua các biện pháp mà bị các thành viên, dù chỉ là 1 nước, phản đối.
Châu Âu có bước tiến trong việc “sửa chữa” Thỏa thuận hạt nhân Iran
Lựa chọn của EU sẽ là gì?
Ủy viên cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini là một trong những quan chức châu Âu bảo vệ quyết liệt nhất thoả thuận hạt nhân Iran, nên tuyên bố của bà Mogherini về việc trừng phạt Iran là hoàn toàn mang tính ngoại giao nhằm xoa dịu chính quyền Mỹ.
Bởi lẽ, nếu châu Âu muốn trừng phạt Iran về vai trò của nước này tại các điểm nóng Trung Đông thì khối này đã có không ít bằng chứng, đặc biệt là sự can dự trực tiếp về mặt quân sự của Iran tại Syria. Ngoài ra còn phải kể đến vai trò rất lớn của Iran trong các nội chiến hiện nay ở Yemen hay ảnh hưởng của nước này đến phong trào Herzbollah tại Lebanon.
Nhưng thực tế thì châu Âu đã không có hành động cụ thể nào. Trong vấn đề này, các nước châu Âu đối mặt với một thách thức khá phức tạp, mà như phân tích của Ngoại trưởng Luxembourg, ông Asselborn, đó là: nếu như châu Âu không có hành động gì với Iran thì sẽ tạo cớ để ông Donald Trump phá bỏ thoả thuận hạt nhân với Iran, nhưng nếu hành động quá, tức trừng phạt mạnh Iran, thì cũng lại khiến Iran rút khỏi thoả thuận.
Vì thế, thực sự thì châu Âu có ít lựa chọn trong việc có trừng phạt Iran hay không và trừng phạt đến mức độ nào nếu nước này can dự mạnh vào các xung đột tại Trung Đông.
Chỉ có 1 điều chắc chắn là châu Âu sẽ tìm mọi cách thực thi một chính sách độc lập tương đối so với Mỹ trong hồ sơ Iran bởi mục đích lớn nhất của châu Âu hiện nay là duy trì thoả thuận hạt nhân, trong khi chính quyền Mỹ của ông Donald Trump thì lại đang ra sức đe doạ huỷ bỏ thoả thuận này.
Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu phải sửa đổi Thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc thế giới với Iran. Nếu không Washington đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran với cáo buộc Tehran ủng hộ khủng bố và vi phạm các cam kết trong thỏa thuận này.
Những yêu cầu này vẫn đang bị các bên tham gia từ chối ủng hộ. Vì thế, người ta đang chờ xem Mỹ có có hành động đơn phương gì trong trường hợp này./.
Chính sách hạt nhân của Mỹ liệu có dẫn tới chạy đua vũ khí hạt nhân?
Các lựa chọn cho Iran trước nguy cơ Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân