Hội nghị ASEAN: Tranh chấp trên Biển phải giải quyết một cách hòa bình
VOV.VN - Vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ là vấn đề quan trọng nhất tại Hội nghị ASEAN, diễn ra ngày 12/11 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar.
Theo tờ Channel NewsAsia, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN và quốc tế sẽ thảo luận các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp tại nhiều khu vực trên Biển Đông mà một số nước ASEAN và Trung Quốc đồng thời tuyên bố chủ quyền.
Biển Đông có khiến Hội nghị ASEAN sôi sục?
Các nhà phân tích cho rằng, sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là sẽ đóng góp “tiếng nói đầy trọng lượng” tại Hội nghị lần này.
Ông Denzil Abel, một học giả từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Myanmar, cho biết: “Nếu Mỹ muốn nhân Hội nghị này để khẳng định mạnh mẽ chính sách tái cân bằng tại khu vực thì tình hình Biển Đông có thể sẽ lại sôi sục thêm lần nữa”.
“Tuy nhiên, cơ hội hợp tác vẫn rộng mở đối với ASEAN và Trung Quốc và nếu có thiện chí thì cả hai bên sẽ chỉ phải vượt qua một trở ngại rất nhỏ để giải quyết những bất đồng và đem lại lợi ích to lớn cho cả khu vực và trên toàn thế giới”, ông Abel nhận định.
Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, Cộng đồng ASEAN được cho là sẽ thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng con đường hòa bình.
Trong hơn một thập kỷ qua, cả ASEAN và Trung Quốc đều đã có những cuộc trao đổi về COC nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Theo tờ Rappler, Hội nghị ASEAN cũng diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC được cho là sẽ tạo ra đột phá để cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Trước đó, Trung Quốc và Nhật Bản đã có những mâu thuẫn nhất định liên quan đến chủ quyền của một nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
Ngoài ra, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào chiều hôm nay (12/11).
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo nói trên được cho là sẽ thảo luận về những hành động của Trung Quốc trong vùng tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trong bối cảnh 2 tàu của Trung Quốc vừa bị phát hiện xâm nhập trái phép vào bãi Cỏ Rong của Philippines.
Hội nghị ASEAN- nơi các nhà lãnh đạo ghi dấu ấn của mình
Ngoài ra, Hội nghị ASEAN lần này cũng sẽ thảo luận về những thành tựu gần đây của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, những mối đe dọa từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và dịch bệnh Ebola.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo mới nhậm chức như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Hội nghị lần này có thể cũng tạo tiền đề để hai nhà lãnh đạo này có thể thiết lập những mối quan hệ mới.
Hội nghị ASEAN lần này còn có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Australia Tony Abbott.
Ông Abel nhận định: “Các nhà lãnh đạo nói trên sẽ dành nhiều thời gian để tiến hành các cuộc gặp song phương và tôi cho rằng các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ rất muốn áp đặt quan điểm riêng của mình trong Hội nghị lần này”.
“Ngoài ra, Indonesia là thành viên quan trọng góp phần định hình cộng đồng ASEAN ngày hôm nay. Chính vì vậy, những gì Indonesia tuyên bố tại Hội nghị ASEAN sẽ là rất quan trọng không chỉ với ASEAN mà còn với cả cộng đồng quốc tế”, ông Abel nói.
Mặc dù Hội nghị ASEAN được tổ chức rất sát Hội nghị Cấp cao APEC ở Trung Quốc và Hội nghị G20 tại Australia, giới quan sát cho rằng Hội nghị này cũng quan trọng không kém gì hai hội nghị nói trên.
Giới quan sát cho rằng, nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đang rất muốn “đặt dấu ấn” của mình vào các vấn đề trong khu vực và sự phát triển của ASEAN sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế của rất nhiều nước trên thế giới.
Cơ hội cuối cùng cải thiện vị thế của Myanmar
Ngoài ra, với cương vị là nước Chủ tịch ASEAN, Hội nghị lần này được coi là cơ hội cuối cùng để Myanmar có thể khẳng định được vị thế của mình.
Dù không kỳ vọng Hội nghị lần này có thể đạt được những kết quả cụ thể, giới quan sát tin rằng Myanmar sẽ đảm bảo được rằng Hội nghị lần này sẽ ít “dậy sóng” hơn những lần trước.
Nhà phân tích chính trị Kyaw Lin Oo nhấn mạnh: “Nếu chúng ta theo dõi Myanmar khi nước này nắm chức Chủ tịch ASEAN với Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2012 thì rõ ràng là Campuchia đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông trong khi Myanmar thì chưa bị như vậy”./.