Indonesia xem xét siết chặt luật sau hàng loạt vụ hiếp dâm ở các trường học Hồi giáo
VOV.VN - Dư luận Indonesia đang rúng động sang hàng loạt vụ hiếp dâm học sinh tại các trường học nội trú Hồi giáo ở nước này, đặc biệt là vụ gần đây 1 thầy giáo đã cưỡng hiếp, bóc lột, và làm nhiều nữ sinh có bầu. Áp lực phải siết chặt luật đối với loại tội phạm này đang gia tăng.
Các quy định hạn chế của Indonesia về bạo lực tình dục đã được xem xét lại sau khi môt vụ hiếp dâm ở trường học nội trú tôn giáo tại nước này gây rúng động dư luận, khiến công chúng tranh cãi về quyền lực của các quan chức Hồi giáo tại quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới.
Các vụ hiếp dâm trong vài tháng qua đã xuất hiện dày đặc trên các trang báo của Indonesia, trong đó có vụ một phụ nữ đã tự tử sau khi bạn trai làm cảnh sát bị cáo buộc đã hiếp cô và buộc cô phải phá thai.
Vụ án nhức nhối lòng người
Trong một trường hợp khác, một giáo viên tại trường nội trú tôn giáo ở Tây Java (Indonesia) bị nghi là đã cưỡng hiếp và làm ít nhất 12 học sinh có thai trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay (2021). Các nạn nhân, tuổi từ 13 đến 20, đã sinh hạ ít nhất 9 đứa trẻ.
Bị cáo Herry Wirawan hiện đối mặt với nhiều tội trạng chiểu theo Luật Bảo vệ Trẻ em của Indonesia. Mỗi tội này chịu mức án tù tối đa là 15 năm, và mức này có thể nâng lên thành 20 năm khi tính đến yếu tố nghề của bị cáo là giáo viên.
Cơ quan Tố tụng Tối cao ở Tây Java cũng đamg xem xét thực hiện biện pháp “thiến hóa học” như một hình phạt cho bị cáo Herry trong vụ án trên sau khi có các yêu cầu như vậy từ gia đình các nạn nhân.
Thầy giáo Herry đã kết hôn và có 3 con. Anh ta tuyên bố các trẻ sơ sinh nói trên là trẻ mồ côi và dùng các em để xin tiền từ thiện, theo Diah Kurniasari Gunawan – người đứng đầu một cơ quan phụ trách bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại khu vực Garut (thuộc Tây Java), nơi có ít nhất 10 trong số các nạn nhân.
Diah cho biết, có tới 21 nạn nhân bị Herry hiếp dâm nhưng mới chỉ có 12 trường hợp được liệt kê trong vụ xét xử anh ta.
Theo một thông cáo của Cơ quan Bảo vệ Nạn nhân và Nhân chứng công bố vào tuần trước, các nạn nhân còn bị buộc phải làm công việc xây dựng tại trường nội trú của Herry. Trường Nội trú Madani có ít nhất 30 học sinh nội trú cho tới thời điểm trường bị đóng cửa sau một cuộc đột kích của cảnh sát vào tháng 6/2021.
Herry còn là một giáo viên tại 2 trường nội trú Hồi giáo khác ở Tây Java. Cả 3 trường này này đều cung cấp giáo dục và chỗ ở miễn phí cho các học sinh, phần lớn đến từ các gia đình nghèo.
Herry bị tố đã lạm dụng các nạn nhân ngay tại trường, tại một khu chung cư, và ở trong phòng khách sạn. Anh ta cũng bị tố đã dùng sai mục đích tiền mặt viện trợ mà cả nạn nhân lẫn nhà trường nhận được từ chính phủ, theo thông tin từ phiên xét xử.
Đỉnh tảng băng trôi
Mariana Amiruddin – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Bạo lực chống lại Phụ nữ của Indonesia, cho biết vụ này vẫn chỉ là “đỉnh của tảng băng trôi”, vì có nhiều vụ bạo lực tình dục tại các trường tôn giáo không được báo cáo.
Mariana cho biết: “Về cơ bản, cứ 1 trong 3 phụ nữ ở Indonesia là nạn nhân của bạo lực tình dục, và những phụ nữ dễ bị tổn thương chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ, do vậy họ có nguy cơ chịu bạo lực tình dục ở trường học, bao gồm các trường nội trú Hồi giáo, nơi các gia đình giao phó việc chăm sóc con em mình cho nhà trường”.
Trong 51 vụ bạo lực tình dục tại trường học được báo cáo lên Ủy ban nói trên trong thời kỳ 2015-2020, có 19% số vụ xảy ra ở trường nội trú Hồi giáo. Trường học là nơi hay xảy ra bạo lực tình dục ở mức thứ 2, chỉ sau đại học (chiếm 27% số vụ).
Mariana nói: “Không dễ gì theo dõi tình trạng bạo lực tình dục trong các cơ sở giáo dục. Đôi lúc trường học (kể cả trường đại học) sẽ che đậy các vụ này vì ho không muốn danh tiếng của trường bị vấy bẩn. Do vậy, nên có sự giám sát từ bên ngoài đối với các vụ việc này”.
Bộ trưởng Tôn giáo của Indonesia - Yaqut Cholil Qoumas, phát biểu vào tuần trước rằng bộ của ông đang “điều tra kỹ lưỡng” tất cả các cơ sở giáo dục có liên quan đến tôn giáo về cách xử lý các vụ bạo lực tình dục.
Ông Qoumas bày tỏ quyết tâm thực hiện các biện pháp chủ động để xử lý vấn đề này. “Chúng ta sẽ không đợi tới khi phát sinh vấn đề thì mới hành động. Đây là vấn đề chung của chúng ta. Toàn bộ bạo lực tình dục, lạm dụng tình dục, và các hành vi không phù hợp đều phải bị loại bỏ tận gốc”.
Nạn nhân im lặng
Dù có những nỗ lực chống lạm dụng tình dục tại trường học, các nạn nhân vẫn cảm thấy khó khăn khi phải ra công khai để báo cáo về tình cảnh của mình.
Tại các trường nội trú tôn giáo, có một chế độ tôn ti ngầm giữa người quản lý, giáo viên và học sinh. Cấp cao nhất thường là do các thầy tu nắm giữ, sau đó là đến các giáo viên Hồi giáo.
Tsamrotul Ayu Masruroh – một nhà hoạt động thuộc Diễn đàn Santri chống Bạo lực tình dục cho biết: “Nhiều tín đồ Hồi giáo ở Java không dám lên tiếng nếu họ hứng chịu bạo lực tình dục, do các nhân vật trong thứ bậc tôn ti ở trường nội trú tôn giáo thường có mức độ quyền lực cao”.
Tại Indonesia, các chủ trường nội trú Hồi giáo và giáo viên nhìn chung được công chúng tôn trọng, theo cô Tsamrotul Ayu Masruroh. Theo dữ liệu từ Bộ tôn giáo của Indonesia, có hơn 26.000 trường nội trú tôn giáo ở quốc gia vạn đảo này.
Bản thân Tsamrotul, từng học 1 trường nội trú nổi tiếng ở Jombang, Đông Java, cho biết cô đã đối diện với tình trạng lạm dụng và hăm dọa trong 4 năm qua, sau khi cô đấu tranh để đưa trường mình ra điều tra về các cáo buộc có ít nhất 15 bạn cùng lớp của cô đã bị chính con trai của người thành lập ra trường này xâm phạm tình dục.
Hồi tháng 5, Tsamrotul cho biết, cô bị 6 nam giới bao vây khi dự buổi đọc kinh Koran tại nhà của hàng xóm. Cô kể rằng họ tru tréo với cô, giật điện thoại của cô. Một số người đàn ông khác của trường nội trú cũng lảng vảng quanh nhà cô trong 2 ngày.
Tsamrotul kể tiếp: “Họ hỏi hàng xóm tôi về các hoạt đông của tôi và cha mẹ tôi, rồi nói với họ rằng tôi là một kẻ vu khống. Cha mẹ tôi đã rất sợ hãi”.
Trong khi đó, Giáo sư Lailatul Fitriyah – trợ lý về giáo dục liên tôn giáo tại trường Thần học Claremont, California (Mỹ) viết trên Twitter rằng các vụ hiếp dâm ở Tây Java và các trường nội trú tôn giáo khác là “phi Hồi giáo” và trật tự tôn ti ở các trường này không được đạo Hồi công nhận.
Bà Lailatul nói: “Bạo lực tình dục trong trường nội trú tôn giáo là kết quả tệ hại nhất của sự kết hợp giữa sự gia trưởng tôn giáo và sự gia trưởng hiện đại”.
Bà này phân tích thêm: “Quyền lực không giới hạn mà các lãnh đạo nam ở trường nội trú tôn giáo nắm giữ được biện minh bằng các câu tôn giáo khác nhau. Nhưng quyền lực đó thực ra là bắt nguồn từ các cấu trúc hiện đại như chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản, chứ không phải từ nguồn gốc Hồi giáo”.
Vấn đề đồng thuận
Trên mạng xã hội, vụ hiếp dâm nói trên đã được nhiều người sử dụng để phản bác các bình luận theo kiểu đổ lỗi cho nạn nhân của tội phạm tình dục.
Người sử dụng mạng Twitter Roy Murtadho viết: “Thực tế nhiều vụ hiếp dâm và quấy rối tình dục xảy ra ở nhà trường và cơ sở tôn giáo cho thấy bạo lực tình dục và hiếp dâm không nảy sinh từ trang phục của phụ nữ, mà là do nam giới nghĩ về phụ nữ như vật thể mang lại cho họ ham muốn”.
Các nhà hoạt động về quyền phụ nữ cũng đang hối thúc giới lập pháp nhanh chóng thông qua một dự luật về xóa bỏ bạo lực tình dục – dự luật này đã không được xem xét tại một phiên hợp toàn thể vào hôm 16/12 do thiếu đồng thuận giữa các lãnh đạo của Hạ viện Indonesia.
Đảng Công lý Thịnh vượng dựa trên Hồi giáo (PKS) đã phản đối việc sử dụng từ “đồng thuận” vì họ cho rằng điều này có thể bị giải thích là nhà nước đồng thuận với hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, cũng như vì thiếu một điều khoản cấm “biến thái tình dục”.
Bộ trưởng Giáo dục Nadiem Makarim vào tháng 11/2021 đã ký một sắc lệnh về ngăn ngừa và xử lý bạo lực tình dục tại các cơ sở giáo dục đại học nhưng sắc lệnh này cũng vấp phải phản đối từ các chính đảng dựa trên đạo Hồi như PKS và các tổ chức Hồi giáo khác./.