Iran không phải Triều Tiên, khó “nhằn” hơn Iraq nếu Mỹ động binh
VOV.VN - Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có những đặc thù riêng không giống với Triều Tiên hay Iraq và họ không dễ khuất phục nếu Mỹ quyết định khai chiến.
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran đột ngột tăng cao những ngày gần đây, thậm chí còn xuất hiện nguy cơ hai bên sẵn sàng động binh thì lại có những ý kiến cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết khá dễ dàng. Theo đó, tất cả những gì lãnh đạo Iran phải làm là gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một bức thư đầy thiện ý như Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un từng làm. Hoặc ngay cả khi tình hình leo thang và chiến tranh nổ ra thì Mỹ cũng sẽ nhanh chóng giành chiến thắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: newsonair. |
Cả hai quan điểm nêu trên đều phản ánh sự thiếu hiểu biết: với luồng ý kiến thứ nhất là thiếu hiểu biết về chính trị Iran còn luồng ý kiến thứ hai cho thấy sự không am hiểu về địa lý, lịch sử và bản chất của chiến tranh.
Không thể so sánh Iran với Triều Tiên
Đầu tiên, phải thấy rõ là thể chế chính trị của Iran và Triều Tiên không giống nhau. Trong khi Triều Tiên vẫn là một quốc gia khép mình lại với thế giới thì Iran cởi mở hơn nhiều. Nhà lãnh đạo Tối cao của Triều Tiên Kim Jong Un có thể nói và làm khá nhiều điều ông muốn mà không vấp phải sự phản đối. Nhưng Lãnh tụ tinh thần Tối cao Iran Khamenei – người chưa từng có liên hệ trực tiếp với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào sẽ phải tiếp tục coi nước Mỹ là "kẻ thù" để duy trì quyền lực của mình trong hội đồng cầm quyền luôn duy trì quan điểm cứng rắn với Washington.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp các thanh sát viên quốc tế đã chứng thực rằng Iran tuân thủ các điều khoản đã ký kết một lần nữa trao cho ông Khamenei cơ hội chĩa mũi dùi vào sự bất tín của Mỹ. Ngay cả khi Lãnh tụ tinh thần Tối cao Iran chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán thì ông cũng không thể đưa ra những lời lẽ hoa mỹ dành cho “kẻ bội tín”.
Khác với Triều Tiên, người dân Iran có rất nhiều cơ hội để kết nối với thế giới thông qua mạng internet, truyền hình vệ tinh… và vì thế, nếu lãnh đạo của họ gửi một bức thư với “những lời lẽ có cánh” gửi đến ông Trump thì người dân Iran sẽ nhanh chóng biết về nó. Nếu đột nhiên Tổng thống Rouhani hay lãnh tụ tinh thần Khamenei được coi là ca ngợi ông Trump (điều mà thậm chí lãnh đạo Iran đã không làm với Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry – những người có thiện ý đóng góp cho thành công của thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm 2015) thì họ sẽ có nguy cơ bị mất quyền lực trước sức ép từ dư luận.
Bài học Iraq còn nguyên giá trị
Đối với kịch bản xung đột vũ trang, người ta chắc chắn sẽ phải nhắc nhớ ông Trump về bài học Iraq. Quay trở lại thời điểm năm 2002-2003 khi Tổng thống George W. Bush đang chuẩn bị cho cuộc chiến Iraq, nhiều người đã dự đoán về một cuộc chiến chớp nhoáng. Căng thẳng Mỹ - Iran chưa hạ nhiệt
Chỉ huy các lực lượng Mỹ, Tướng Tommy Franks khi đó đã thúc giục ông Bush đẩy nhanh cuộc chiến vào tháng 3, thậm chí trước đó Sư đoàn bộ binh số 4 đã vào vị trí, để quân đội có thể về nhà trước đỉnh điểm mùa hè nóng bức của Iraq. Tuy nhiên, thực tế là quân đội Mỹ đã ở lại đây 9 mùa hè với tổn thất đáng kể: 4.424 người chết và hơn 31.000 người bị thương.
Nếu phát động chiến tranh với Iran, khó khăn mà Mỹ phải đối mặt sẽ lớn hơn nhiều. Với diện tích rộng lớn gấp 3,5 lần và dân số cũng đông gấp hơn 3 lần Iraq; địa hình Iran cũng phức tạp hơn với nhiều núi non, Iraq địa hình chủ yếu là sa mạc, bằng phẳng… chắc chắn khó khăn mà lính Mỹ phải đối mặt cũng sẽ lớn hơn.
Một điểm khác biệt lớn khác đó là Saddam Hussein không có lợi thế gì để đối mặt với kẻ địch. Quân đội của Saddam phải đối mặt trực tiếp với Mỹ trong khi Iran có khả năng phát động một cuộc chiến bất đối xứng. Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz – tuyến đường thủy quan trọng nơi có hơn 1/4 lượng dầu của thế giới giao thương qua đây. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran có thể phóng tên lửa vào Israel và các lực lượng của Mỹ trong khu vực. Iran cũng có thể khởi động các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở dữ liệu và mạng kiểm soát thông tin liên lạc quân sự, tình báo và tên lửa dẫn đường, cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Tất nhiên, Mỹ hoàn toàn có khả năng làm điều tương tự nhưng rõ ràng, tác động của cuộc chiến sẽ không thể đoán trước và rất có thể nó sẽ gây hại cho cả đôi bên.
Tổng thống Bush và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld đã gửi 150.000 quân tới Iraq. Lực lượng này đủ để đánh bại quân đội Iraq, khiến Saddam phải tháo chạy nhưng là không đủ để ổn định mọi thứ sau đó. Dù các cố vấn đã cảnh báo nhưng dường như giới chức Nhà Trắng không nghĩ đến những gì họ phải đối mặt sau khi lật đổ được Saddam.
Giờ đây, Lầu Năm Góc đã đưa ra kế hoạch điều 120.000 binh sĩ đến Trung Đông. Đó cũng là một phần tất yếu khi căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Trump thừa nhận, nếu Mỹ thực sự điều binh đến Iran thì con số sẽ phải nhiều hơn như thế.
Cuối cùng, nếu quyết định đánh Iran, Tổng thống Trump sẽ đẩy Mỹ vào cuộc chiến tranh mà không có các đồng minh truyền thống ở châu Âu sát cánh. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Israel sẽ cung cấp căn cứ, hỗ trợ tình báo và có thể là hỏa lực. Tuy nhiên điều này sẽ khiến các đồng minh châu Âu vốn đóng vai trò chính trị quan trọng trong cuộc chiến chống Iraq dường như bị gạt ra ngoài trong khi lại khiến mọi người nghĩ rằng, cuộc chiến này không gì khác là sự tập hợp của "băng nhóm" người Hồi giáo Sunni, người Do Thái và người Mỹ chống lại người Hồi giáo Shiite và khiến cho xung đột sắc tộc trong khu vực càng thêm nghiêm trọng.
Các quan chức Mỹ cũng đã gửi đi các thông điệp khác nhau về diễn biến căng thẳng gần đây với Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Iran là đòn bẩy để đưa nước này quay trở lại đàm phán sửa đổi thỏa thuận năm 2015; đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không lùi bước cho đến khi Iran thay đổi hành vi. Trong khi đó, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thì công khai kêu gọi thay đổi chế độ ở Iran, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.
Vậy thực sự Tổng thống Trump muốn gì? Điều này cũng không rõ ràng. Ông Trump phản đối và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – động thái được cho là khởi nguồn cho khủng hoảng hiện nay mà không vì lý do chính đáng nào cả ngoài việc cho biết, ông chỉ đơn giản là không thích cái cách mà chính quyền tiền nhiệm giải quyết hồ sơ Iran.
Giới quan sát cho rằng, có lẽ, Trump rút khỏi thỏa thuận với tác động từ cố vấn Bolton và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hơn là chủ ý của ông. Nếu Tổng thống Mỹ bị động và để cho căng thẳng hiện nay tiếp tục leo thang, có thể Trump không giữ được bình tĩnh và chiến tranh sẽ nổ ra. Nếu không muốn chiến tranh, ông Trump nên hạn chế nghe những “lời ong, tiếng ve” xung quanh. Vấn đề ở đây là không có bất kỳ ai trong chính quyền của Trump có kinh nghiệm làm ngoại giao với Iran. Ông Trump sẽ phải tự làm điều đó và chính vì thế, mọi chuyện vẫn rất khó đoán trước./.