Iran toan tính thiệt hơn nếu chấp nhận đàm phán với Mỹ
VOV.VN - Iran đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và cân nhắc những được-mất nếu chấp nhận đàm phán với Mỹ.
Mục đích thực sự của Mỹ khi đề xuất đàm phán với Iran
Ngày 7/8, Tổng thống Donald Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran dù trước đó chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này khi ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JPCOA) năm 2015. Đây là bước đi đã được lường trước sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump hồi tháng 5/2018. Kể từ đó, chính quyền ông Trump đã tuyên bố sẽ gia tăng sức ép kinh tế lên Tehran, không chỉ để chấm dứt tham vọng hạt nhân mà còn nhằm kiềm chế ảnh hưởng trong khu vực và thậm chí làm suy yếu việc nắm giữ quyền lực của chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo này. Động thái này được nhiều người cho là nằm trong chính sách của Mỹ với chủ ý thay đổi chế độ tại Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters |
Dù vậy, xem xét tình hình hiện tại thì dường như mục tiêu của Tổng thống Trump đã thu hẹp hơn nhiều: Ông muốn một thỏa thuận hạt nhân của riêng mình với Iran và coi thỏa thuận của ông Obama với quốc gia này là một trở ngại trên con đường thực hiện mục tiêu. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Tổng thống Trump muốn thuyết phục Iran đứng về phía ông và sau đó đàm phán với Tổng thống Iran Hassan Rouhani về một thỏa thuận mới giữa hai bên bằng cách đưa ra đề nghị về một cuộc gặp trực tiếp mà không có điều kiện tiên quyết nào. Động thái này diễn ra chỉ một vài ngày trước khi ông tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran.
Cách thức này dường như cũng tương tự như cách tiếp cận của ông Trump với hồ sơ Triều Tiên: sau những đòn cứng rắn sẽ là một Hội nghị Thượng đỉnh. Rõ ràng, cách ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên cũng chẳng khác là bao so với chính quyền ông Obama khi cả hai đều sử dụng sức ép kinh tế để buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán. Những người chỉ trích chính sách của ông Trump cho rằng chiến lược với Triều Tiên sẽ không phù hợp với Iran. Tổng thống Iran Rouhani cũng tuyên bố rằng ông không thể tin tưởng một Tổng thống luôn bất ngờ đi ngược với những thỏa thuận quốc tế và thích chèn ép đối phương hơn là xây dựng lòng tin.
Những lệnh trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra nhằm mục đích khiến Iran chấp nhận đàm phàn với Mỹ về một thỏa thuận hạt nhân mới. Theo đó, Iran sẽ phải từ bỏ việc phát triển tên lửa đạn đạo và chấm dứt can thiệp vào các cuộc xung đột trong khu vực. Tuy nhiên, ý định thực sự và cũng là phần khó khăn Mỹ muốn thực hiện qua các lệnh trừng phạt, đó là thay đổi các chính sách của Iran.
Được- mất của Iran nếu chấp nhận đàm phán với Mỹ
Nếu Iran chấp nhận đàm phán với ông Trump và thỏa thuận giữa hai bên đi vào hiệu lực thì cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, Iran hầu như không có lợi ích gì về kinh tế nếu đi ngược lại ý muốn của ông Trump nhưng dù chấp nhận thỏa thuận với Mỹ thì quốc gia này cũng phải cẩn trọng trong việc duy trì quan hệ với châu Âu, Nga và Trung Quốc. Có một sự thật là rõ ràng Tehran hiện đang nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư hoặc ít nhất cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào ngành xuất khẩu dầu mỏ tại Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Mohammad Javad Zarif cũng chỉ trích Mỹ về việc rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018 khiến Nhà Trắng trở thành một đối tác không đáng tin cậy để đàm phán. Ông khẳng định rằng: "Có một sự khác biệt lớn vào thời điểm này. Trước đó không ai ủng hộ Iran. Nhưng bây giờ thì tất cả các quốc gia đều ủng hộ chúng tôi". Do đó, Iran đang có những lợi thế cả về mặt tinh thần và mặt ngoại giao: Nếu Iran tiếp tục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 thì quốc gia bị cô lập không phải là Iran mà là Mỹ.
Ngay cả người Mỹ cũng không ủng hộ cuộc chiến của Mỹ với Iran. Theo một cuộc điều tra của HuffPost/YouGov, chỉ 23% người Mỹ ủng hộ cuộc chiến của Mỹ với Iran trong khi số phản đối là 53%. Người Mỹ cũng phản đối việc tăng giá xăng dầu - một hệ quả tất yếu sẽ xảy ra nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang.
Dù vậy, Iran rõ ràng đang hy vọng không chỉ vào châu Âu mà cả Ấn Độ, Trung Quốc và Nga có thể tìm cách ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, Tehran cũng phải cân nhắc đến một khả năng mong manh rằng liệu quốc gia này sẽ nhận được gì nếu đàm phán với Trump dù bản thân Iran vẫn rất hoài nghi về việc đạt được một thỏa thuận mới.
Nếu ông Rouhani đồng ý đàm phán với ông Trump, Iran phải đối mặt với những tổn thất nhất định. Khi Iran quyết định ký một thỏa thuận hạt nhân mới, quốc gia này có thể hợp tác cùng Mỹ và châu Âu nhưng sẽ mất đi sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.
Theo số liệu từ Reuters, hiện Trung Quốc mua 15 tỷ USD giá trị dầu thô từ Iran mỗi năm và là đối tác năng lượng hàng đầu của Tehran. Quốc gia này cũng khẳng định các công ty CNPC và Sinopec đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành dầu mỏ ở Iran. Thậm chí, bất chấp lời đe dọa của Trump về việc "chọn Iran hay chọn Mỹ", Trung Quốc khẳng định vẫn tiếp tục làm ăn với Iran.
Ngoài ra, lòng tin vốn là yếu tố cần cho một cuộc đàm phán đang bị lung lay nghiêm trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Ông Seyed Hossein Mousavian, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Iran hiện là chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Đại học Princeton nhận định: "Hành động đơn phương rút khỏi JCPOA của ông Trump đã hủy hoại lòng tin và sự tín nhiệm về bất kỳ một thỏa thuận nào có thể diễn ra với Mỹ. Đó là lý do tại sao Tehran không mấy mặn mà với ý tưởng về một Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Rouhani". Để thực hiện được Hội nghị Thượng đỉnh này, theo ông Mousavian, Nhà Trắng cần áp dụng các phương pháp xây dựng lòng tin.
Ông Trump đã thể hiện thái độ hòa giải khi hứa hẹn với tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, cam kết rằng sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và thậm chí gián tiếp gợi ý rằng sẽ chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên. Khi đưa ra đề nghị cuộc gặp với Iran mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào, ông cũng thể hiện thái độ tương tự khi vừa hứa hẹn về cuộc đàm phán một - một thành công vừa bộc lộ quan điểm của một người đề cao an ninh quốc gia khi xem Iran là một vấn đề chỉ có thể giải quyết qua việc duy trì sức ép nhằm thúc đẩy những thay đổi cơ bản tại quốc gia này.
Phản ứng của ông Rouhani với Mỹ giống như "đi trên dây" khi luôn cẩn trọng xem xét và chỉ trích ông Trump nhưng không từ chối thẳng thừng lời đề nghị của Tổng thống Mỹ. Rõ ràng, Iran vẫn chưa đưa ra một câu trả lời chính thức và sẽ chỉ có câu trả lời cho đến khi Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của quốc gia này đạt được một quan điểm thống nhất. Điều này có thể khiến những người trong giới tinh hoa chính trị Iran thống nhất với việc ủng hộ đàm phán nhưng họ sẽ chỉ bị thuyết phục khi Iran ngồi trên bàn đàm phán mà không bị tổn hại gì và vẫn phải đảm bảo được những lợi ích kinh tế.
Iran phải lựa chọn giữa việc tiếp tục một thỏa thuận đang có nguy cơ đổ vỡ cao với việc chấp nhận những lời hứa hẹn không chắc chắn về một thỏa thuận mới. Tehran phải xác định những lợi ích rõ ràng nếu lựa chọn tiếp tục thỏa thuận hạt nhân cũ còn ông Trump cũng phải lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận nếu muốn Iran chấp nhận lời đề nghị của mình./.
Bất ngờ “ai thắng – ai thua” từ việc Mỹ trừng phạt Iran
Iran kiên quyết đáp trả nếu bị Mỹ ngăn chặn xuất khẩu dầu mỏ