Mỹ và Trung Quốc “lời qua tiếng lại” về quân sự hóa trên Biển Đông
VOV.VN - Mỹ cáo buộc Trung Quốc hành động quân sự hóa Biển Đông, trong khi Trung Quốc lại tố ngược lại
Truyền thông quốc tế đưa tin, ảnh vệ tinh mới nhất công bố ngày 22/2 cho thấy Trung Quốc đang lắp đặt các hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích rằng, động thái này của Trung Quốc có nguy cơ nhằm làm tăng khả năng khống chế Biển Đông của nước này.
Ảnh chụp vệ tinh Đá Châu Viên của CSIS công bố cho thấy một hệ thống radar tần số cao, cùng với một ngọn hải đăng, một lô cốt ngầm, một bãi đáp trực thăng và một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Ảnh chụp một số đảo nhân tạo khác mà Bắc Kinh chiếm đóng cũng cho thấy một số công trình đang được xây dựng, mà theo CSIS dự đoán, là các tháp radar, ụ pháo, lô cốt, bãi đáp trực thăng và bến cảng.
Hệ thống tên lửa đất đối không được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh chụp từ vệ tinh). |
CSIS nhận định: “Việc bố trí một đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát lưu thông trên không và trên biển, đi qua eo biển Malacca ở phía bắc cũng như nhiều tuyến lưu thông chiến lược quan trọng khác”.
Mỹ khẳng định thúc đẩy tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông
Trước những hành động này của Trung Quốc, mà Mỹ gọi đó là “leo thang quân sự hóa” trên Biển Đông, một quan chức Lầu Năm Góc cấp cao ngày 24/2 cho biết, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động tự do lưu thông hàng hải tại vùng biển này.
"Chúng tôi sẽ tích cực hoạt động tự do lưu thông hàng hải hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục và tăng cường hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật lệ quốc tế cho phép”, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương phát biểu tại một phiên điều trần của Hạ viện Ủy ban Quân vụ.
"Chúng ta phải tiếp tục hoạt động trên Biển Đông để chứng minh rằng vùng biển và không phận ở đó là vùng quốc tế", Đô đốc Harris nói.
Trung Quốc đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông và đang hoàn tất 3 đường băng lớn trên các đảo này. Mỹ tỏ ý lo ngại về tình trạng quân sự hóa ngày càng gia tăng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ tuần trước đã bày tỏ sự “quan ngại nghiêm trọng” trước các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa [vốn là của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ năm 1974- NV].
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lo ngại về các hành động "quân sự hóa" của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh AFP). |
Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng việc triển khai các cơ sở quân sự của mình ở Biển Đông là "hợp pháp và phù hợp". Và hôm thứ Ba 23/2, khi phát biểu ám chỉ các cuộc tuần tra trên biển của Mỹ, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh hy vọng sẽ không phải gặp thêm các cuộc do thám quân sự, hoặc điều động các tên lửa, tàu khu trục hay máy bay ném bom chiến lược trên Biển Đông.
Trung Quốc tố ngược Mỹ “quân sự hóa Biển Đông”
Liên quan đến việc Trung Quốc khai thác cát bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, bố trí hệ thống tên lửa tại quần đảo Hoàng Sa, phía Mỹ coi những hành động đó là thực hiện “quân sự hóa” khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lại nhấn mạnh, đó là phía Trung Quốc “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích” của mình.
Theo bà Hoa Xuân Doanh, các công trình mà Trung Quốc xây dựng chủ yếu dùng cho mục đích dân sự, “là sản phẩm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cộng đồng quốc tế”. Việc Trung Quốc bố trí trận địa tên lửa là để “thực hiện quyền tự vệ” của mình.
Bà Hoa Xuân Doanh cáo buộc Mỹ lấy vấn đề “quân sự hóa” khu vực để chỉ trích Trung Quốc, nhưng trên thực tế chính Mỹ mới là nguyên nhân của tình trạng này. Theo lời bà Doanh, việc Mỹ cử điều các tàu chiến, máy bay chiến đấu đến khu vực trinh sát ở cự ly gần các đảo nhân tạo là nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng của khu vực.
Trung Quốc hy vọng phía Mỹ thực hiện cam kết không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ngừng các hoạt động “thổi phồng” vấn đề khiến tình hình căng thẳng và phức tạp hơn, đồng thời phát huy vai trò mang tính xây dựng trong gìn giữ hòa bình, ổn định tại khu vực.
Mưu đồ ẩn sau những lời lẽ bao biện
Trung Quốc xây dựng đường băng dài tới 3.000 m trên Đá Chữ Thập (Ảnh AFP). |
Phân tích các tuyên bố của phía Trung Quốc, rằng nước này xây dựng các cơ sở vật chất ở các đảo vì “mục đích dân sự”, nhà nghiên cứu Gregory Polling thuộc Trung tâm CSIS cho rằng: “Người ta không cần tới một đường băng dài tới 3 km để phục vụ các máy bay dân sự. Và người ta cũng không cần một hệ thống radar tần số cao như vậy để theo dõi các hoạt động thương mại. Radar vốn là một thiết bị đa dụng, song mục đích chính của chúng là phục vụ cho các hoạt động quân sự”.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris luôn khẳng định, ông ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải đều đặn của Mỹ. Khi được hỏi về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong việc tăng cường quân sự tại khu vực, Đô đốc Harris nói với các nhà lập pháp: “Tôi tin rằng Trung Quốc đang tìm kiếm quyền bá chủ ở Đông Á”. Khi được hỏi liệu điều đó có nghĩa là kiểm soát khu vực, Đô đốc Harris đã nhất trí như vậy./.