Nga - Trung: vừa thân thiết vừa kiềm chế lẫn nhau?
VOV.VN -Quan hệ Nga – Trung Quốc đang được cho ở thời kỳ trăng mật vì những lợi ích song trùng trong bối cảnh biến động của thế giới.
Từ 8-10/5 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Nga, Kazakhstan và Belarus; trong đó đáng chú ý nhất là điểm dừng chân Moscow và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên với cái nhìn của báo chí phương Tây, dù quan hệ Nga – Trung đang ở mức “không thể tốt hơn” song không phải không có những rào cản mà dù “thân thiết” mấy cũng khó có thể vượt qua.
Song trùng lợi ích
Theo Đại sứ Nga tại Trung Quốc, ông Andrey Denisov: “Việc Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tới 5 lần trong năm 2014 đã cho thấy ý định của 2 bên trong việc tăng cường thắt chặt mối quan hệ. 5 lần tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trong 1 năm là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ Nga – Trung”.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đều mô tả 2 nước là những “người bạn tốt” của nhau, đều có quá khứ hào hùng và có nhiều điểm chung trong đường hướng xây dựng và phát triển đất nước.
Tờ People’s Daily, Trung Quốc cho biết: Chính sách mở cửa của Bắc Kinh và chủ trương “xoay trục” châu Á của Moscow dường như đang được kết nối theo một cách hoàn hảo nhất với việc cả 2 nước đều có nhu cầu phát triển quan hệ song phương.
Thêm vào đó, kể từ tháng 3/2014, khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra, nhất là sau khi Moscow tiến hành sáp nhập Crimea, Mỹ và các nước phương Tây đã tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Để thoát khỏi khủng hoảng, Nga đã chuyển hướng chiến lược sang phía Đông và Trung Quốc là một bạn hàng lớn. Đây là sự song trùng lợi ích khi Nga có bạn hàng mới thay thế cho EU, còn Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tìm được nguồn cung năng lượng lớn cho mình.
Nga và Trung Quốc đã cùng nhau hợp tác trong hàng loạt các lĩnh vực quan trọng từ chính trị, quân sự, năng lượng, đầu tư cho tới nhân đạo và kỹ thuật. Hiện tại kim ngạch song phương ở mức 100 tỷ USD và có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Thêm vào đó, quyết định của Nga gia nhập Ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), dự án do Trung Quốc khởi xướng nhằm phục vụ chiến lược “Một vành đai, một con đường” của nước này, được cho là bước đi cụ thể của Tổng thống Putin trong chiến lược tăng cường quan hệ hợp tác với từng quốc gia châu Á.
Về quân sự, Nga và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận mua bán các chiến đấu cơ Su-35. Lãnh đạo 2 nước cũng đang có ý định chốt lại kế hoạch tổ chức tập trận hải quân chung ở Biển Đen trong lần đàm phán sắp tới.
Về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Phát xít của Hồng quân Liên Xô và có cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Putin lần này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping đề cao vai trò của Nga cũng như cái bắt tay Nga – Trung có ý nghĩa đối với thế giới.
“Trong vai trò là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Nga và Trung Quốc nên cùng nhau bảo vệ di sản đã được lập ra sau Thế chiến II, các nguyên tắc quốc tế về bình đẳng công lý, đặt nền móng cho hòa bình, phát triển và hợp tác hơn nữa”. Ông Cheng Guoping nói.
Vị quan chức ngoại giao cấp cao này tự tin đánh giá cao mối quan hệ song phương hiện nay giữa Nga và Trung Quốc. “Những mối liên hệ đang có giữa Moscow và Bắc Kinh là một ví dụ cho toàn thế giới, một mẫu mực về hợp tác giữa các cường quốc láng giềng”.
Cũng liên quan tới chuyến thăm này, Hãng Tass ngày 6/5 dẫn lời ông Yury Ushakov - Trợ lý của Tổng thống Nga thông tin: “Trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Trung sắp tới, nội dung chủ đạo là thảo luận những biện pháp cấp bách tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác nhau. Một gói hợp tác gồm khoảng 40 văn kiện hợp tác song phương đã được chuẩn bị để ký kết trong chuyến thăm này”.
Ông Ushakov cũng thông báo, Moscow và Bắc Kinh sẽ thảo luận về hợp tác quân sự và kỹ thuật. Những văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng đã được 2 bên chuẩn bị cho lễ ký kết sắp tới.
Thân thiết nhưng vẫn kiềm chế nhau
Moscow Times đưa ý kiến của chuyên gia Stephen Blank, nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Chính sách ngoại giao Mỹ từng nhận định về mối quan hệ Nga – Trung hiện nay: “Mỗi một liên minh cần có một con ngựa và kỵ sĩ, ở đây Trung Quốc là kỵ sĩ”.
Ông Blank nói rằng mối quan hệ Nga-Trung còn xa mới có sự khăng khít như những gì hai bên đang tỏ ra.
“Chẳng hạn như vấn đề Viễn Đông và Siberia - vốn là nơi thưa thớt dân Nga nhưng lại nằm sát biên giới với Trung Quốc, rất có khả năng nảy sinh nguy cơ, trong trường hợp Trung Quốc ngấm ngầm gây ảnh hưởng tại đây”.
Nhà phân tích Dmitri Trenin của Viện nghiên cứu Carnegie, Washington Mỹ cho rằng: Moscow vẫn rất cảnh giác với lực lượng quân sự Trung Quốc. Điều này được thể hiện ở hành động Nga không ngừng gia tăng các biện pháp bảo vệ ở vùng Viễn Đông và Siberia trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn thuyết phục Moscow cho phép tăng cường hợp tác và khai thác ở khu vực này.
Ở khía cạnh khác, Nga cũng có chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn ở châu Á. Cụ thể là quan hệ với Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/2014, Tổng thống Putin đã nhắc lại mối quan hệ quan trọng giữa Nga với Ấn Độ và tuyên bố sẽ giúp Ấn Độ xây dựng 10 nhà máy điện hạt nhân.
Cũng nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin năm 2014, tờ Moscow Times đã có đoạn phân tích: “cho dù Putin rất vui mừng thấy sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng lên và có thể trở thành một thách thức không nhỏ đối với Mỹ, nhưng dường như ông không muốn thấy Trung Quốc sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong mối quan hệ Nga – Trung. Điều này đồng nghĩa với việc, 2 nước dù “thân thiết” nhưng vẫn không ngừng “kiềm chế” lẫn nhau”./.