Nhật Bản- đỉnh của tứ giác kim cương với triển vọng năm 2018
VOV.VN - Nhật Bản là một đỉnh của tứ giác kim cương trong chiến lược Tầm nhìn Ấn Độ- Thái Bình Dương, đang đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng cho năm 2018.
Trong năm qua, Nhật Bản tổ chức cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản với thắng lợi áp đảo của Liên minh giữa đảng Dân chủ tự do của thủ tướng Shinzo Abe và đảng Công minh. Ngoài ra, liên minh Nhật – Mỹ vẫn được củng cố bất chấp những thay đổi trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những biến động an ninh phức tạp tại khu vực Đông Bắc Á.
Thế đa số tại Quốc hội của Liên minh cầm quyền
Với thắng lợi này, điều quan trọng nhất là ông Abe sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Nhật Bản có thể cả một nhiệm kỳ nữa. Điều mà chưa Thủ tướng nào trong lịch sử Nhật Bản làm được.
Thủ tướng Nhật Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: LA Times và NBC. |
Trong một phát biểu sau khi giành thắng lợi, ông Abe cũng nhấn mạnh rằng kết quả trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này cũng chỉ là một kết quả khiêm tốn, nhưng thể hiện tiếng nói của nhân dân mong muốn có một nền chính trị ổn định.
Và lần đầu tiên sau nhiều năm, GDP của Nhật Bản đã tăng trưởng dương, cả năm nước đạt 2,7%.
Như vậy, với kết quả đạt được, chính quyền của ông Abe đã tạo ra một “năng lượng mới” cho Nhật Bản, và đương nhiên trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ có động lực để phát triển đất nước nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt Trung Quốc trở thành vị trí thứ hai vốn có của mình.
Song song với đó, việc cải cách Hiến pháp được coi là nhiệm vụ trọng tâm của đảng cầm quyền LDP, ông Abe khẳng định rằng đây là việc được quyết định bởi nhân dân, nên việc tăng cường nhận biết của nhân dân về vấn đề này là vô cùng quan trọng.
Như vậy, chắc chắn ông Abe sẽ “sung sức” trong việc cải cách Hiến pháp, nhất là trong bối cảnh nhân dân Nhật Bản đang có xu hướng ủng hộ ông trong việc gây sức ép đối với Triều Tiên. Bởi đơn giản rằng, Triều Tiên có thể sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của người dân nước này.
Giai đoạn mới trong quan hệ Nhật-Mỹ
Trước tiên phải khẳng định rằng, để có được mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ tốt đẹp như hiện tại kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, Nhật Bản đã rất chủ động và tích cực khi tiếp xúc với Mỹ. Trong tất cả các cuộc hội đàm trực tiếp và gián tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hầu như Nhật Bản là nước đề xuất. Nội dung đều thống nhất tập trung bàn bạc để mở ra một giai đoạn hợp tác mới ở lĩnh vực thương mại, kinh tế, hợp tác quốc tế của hai nước, đồng thời tái xác nhận quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, từng bước tạo mối quan hệ tin tưởng giữa hai nước.
Ông Trump sau đó cũng đã từng tuyên bố sẽ bãi bỏ nghĩa vụ quân đội đối với Nhật Bản, ưu tiên tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Mỹ - Nhật thắt chặt quan hệ đồng minh để cùng đối phó Triều Tiên
Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh tới quan hệ Nhật-Mỹ với tư cách là trục chính trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Điều này sẽ tập hợp được sự chú ý của những nhà lãnh đạo từ các thành viên kinh tế lớn trên thế giới, khu vực Đông Á để có thể tạo ra cơ hội mới cho Nhật Bản xúc tiến chính sách ngoại giao tích cực, củng cố thêm mối liên kết chặt chẽ giữa Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.
Trong buổi trả lời phỏng vấn FoxNews khi thăm Nhật Bản vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ nói: “Thủ tướng Abe là bạn thân của tôi. Và chuyến thăm Nhật Bản là chuyến công du quan trọng nhất đối với tôi. Qua đây chúng tôi sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ”.
Như vậy, đồng minh Nhật Bản-Mỹ vẫn vững chắc, và nỗ lực của Thủ tướng Abe trong các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Trump trong thời gian qua là một kết quả tốt đẹp. Một trang mới sẽ mở ra trong quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống Trump.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là chủ đề quốc tế nổi bật nhất mà Nhật Bản và Mỹ dồn sức hợp tác để giải quyết. Về vấn đề này Thủ tướng Abe khẳng định rằng hai bên sẽ tiếp tục những nỗ lực khởi động lại đối thoại Triều Tiên đã bế tắc trong vòng 20 năm qua. Qua đó, sẽ loại bỏ kế hoạch phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hoàn toàn bằng phương pháp kiểm soát chặt chẽ không thể đảo ngược. Đồng thời hợp tác với cộng đồng quốc tế gây áp lực cao nhất đối với Triều Tiên với mục đích làm thay đổi chính sách phát triển hạt nhân của nước này.
Nhật Bản và tầm nhìn “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”
Trong năm 2017, ý tưởng mới về một tầm nhìn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đã được nêu ra, trong đó, Nhật Bản là 1 đỉnh trong ‘tứ giác’ quan trọng này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Donald Trump bắt đầu dùng chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thay thế cho chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama đã thực thi tương đối có hiệu quả. Nhưng chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được đánh giá là rộng mở hơn về mặt địa lý và tầm nhìn.
Ông Trump cam kết sẵn sàng ký kết hiệp định thương mại song phương với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo đó, năm 2018 và những năm tiếp theo, Mỹ cần tăng cường hợp tác với Ấn Độ nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực ngày càng hòa bình, ổn định và phồn vinh, không trở thành một khu vực hỗn loạn, xung đột và cướp đoạt về kinh tế.
Tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Như vậy, đối với Mỹ, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có nghĩa là Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là hai cường quốc quan trọng nhất trong chính sách mới này của Mỹ. Do vậy, Mỹ có xu hướng ưu tiên trong việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ trong thời gian tới, mặc dù trước đó nhiều đời Tổng thống Mỹ vẫn coi trọng cặp quan hệ này.
Gần đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao thúc đẩy tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và kinh tế với Mỹ và Ấn Độ. Mục đích là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á, đồng thời lập lại trật tự trong khu vực, vốn được dựa trên các thể chế minh bạch, sự quản trị tốt và luật pháp quốc tế. Và sức mạnh sẽ phát huy hiệu quả khi Nhật-Ấn-Mỹ tạo thành trụ tại khu vực trong việc giải quyết các vấn đề được coi là hướng tới hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Bản tiếp nhận “sự hội tụ của 2 vùng biển” – như được ông Abe vạch ra lần đầu tiên cách đây hơn 1 thập kỷ, gọi là Hành động hướng Đông, thông qua các liên kết mạnh mẽ hơn với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (đặc biệt là Myanmar, Singapore, Việt Nam).
Rõ ràng, Nhật Bản cùng với chính sách ngoại giao rộng mở, sẽ vận dụng linh hoạt cả những chính sách ngoại giao của nước đồng minh, nước đối tác vì lợi ích của đất nước và hòa bình khu vực./.