Nhiệm kỳ thứ tư và những thách thức của Thủ tướng Hungary

VOV.VN - Theo kết quả kiểm đếm hơn 99% phiếu bầu, đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra để bầu Quốc hội khóa mới.

Kết quả này đồng nghĩa, ông Orban sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2010 đến nay.

Điều gì dẫn đến chiến thắng áp đảo của đảng Fidesz       

Đến thời điểm này có thể nói, Đảng Fidesz của Thủ tướng Orban đã có một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội 2022. Với 100% số phiếu được kiểm, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Orban là Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) và Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) đã tiếp tục giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử Quốc hội Hungary 2022 khi giành được tỷ lệ ủng hộ cách biệt là 53,1% so với Liên minh đối lập thống nhất gồm 6 Đảng chỉ đạt 35,04%.

Như vậy, Đảng Fidesz giành được 135 trên tổng số 199 ghế trong Hạ viện. Đối thủ trực tiếp là Liên minh Thống nhất vì Hungary gồm 6 đảng chỉ giành được 56 ghế. Mặc dù theo dự báo ban đầu, cuộc bầu cử sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa liên minh Chính phủ và Liên minh 6 đảng đối lập.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả là chiến thắng áp đảo của Đảng Fidesz và Thủ tướng Orban.

Thứ nhất, truyền thông là công cụ hữu hiệu đã được chính phủ cầm quyền quản lý và sử dụng hiệu quả. Một điều dễ nhận thấy, các đài truyền hình công cộng ở Hungary luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua.

Thứ hai, người dân đã bị thuyết phục bởi các chính sách hỗ trợ kinh tế, xã hội, đối ngoại cũng như quốc phòng an ninh. Trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục và giá tiêu dùng tăng mạnh ở Hungary cũng như nhiều quốc gia châu Âu, chính phủ đã sử dụng các công cụ tài chính khác nhau để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho Fidesz.

Cụ thể, chính phủ đã giảm thuế cho năm 2022 khoảng 4,2 tỷ euro. Mỗi người hưu trí nhận được khoản tiền thưởng là 223 euro. Nâng mức lương tối thiểu lên khoảng 566 euro và miễn thuế cho những người dưới 25 tuổi… Chỉ riêng các biện pháp này đã khiến ngân sách bị thâm hụt khoảng 1,7 tỷ euro. Mặc dù các biện pháp này không mang lại lợi ích cho cán cân ngân sách, nhưng chúng lại có tính chất quyết định đến tâm lý ủng hộ chính phủ của người dân.

Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là Đảng cầm quyền có sự gắn kết, thống nhất và tập trung hơn nhiều so với phe đối lập. Dưới chế độ cầm quyền của thủ tướng Orban, mặc dù Fidesz là một đảng quần chúng pha trộn các lợi ích khác nhau nhưng chính phủ đã kiểm soát cả tổ chức đảng và bộ máy nhà nước tương đối tốt, khó có thể tìm thấy những bất đồng và rạn nứt bên trong. Đây là một lợi thế rõ ràng trong chiến dịch bầu cử.

Trong khi đó, phe đối lập luôn bị chia rẽ và với liên minh 6 Đảng cũng đã tồn tại nhiều tư tưởng, quan điểm khác nhau khiến cho hợp tác trở nên vô cùng khó khăn.

Còn một nguyên nhân khác là tâm lý của người dân mong muốn có một sự ổn định thay vì những rủi ro khi thành lập một chính phủ mới, đường lối đối ngoại mới cũng như phương thức quản lý vận hành bộ máy mới đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp.

 

Thách thức đối với Thủ tướng Orban trong nhiệm kỳ thứ 4

Trước hết, với một quốc gia còn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như giải quyết tình trạng lạm phát do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, điều quan tâm nhất đối với người dân Hungary chính là đảm bảo an toàn và có cuộc sống ổn định. Điều này lí giải vì sao đa số người dân tiếp tục ủng hộ sự tái nhiệm chính phủ của thủ tướng Orban bất chấp có những sự phân cực trong hệ thống chính trị.

Đại dịch toàn cầu đã làm cho nền kinh tế của cả thế giới điêu đứng với đầy những khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, mặc cho dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế Hungary năm 2021 vẫn tăng trưởng với chỉ số GDP 6,9%. Chính phủ Hungary đã mở rộng các chính sách tài khóa trong khi các chính sách tiền tệ đã bước được thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Điều này đã phần nào giảm những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Mặt khác, các chính sách của chính phủ đã hướng nhiều tới quyền lợi của người dân như tăng mức lương tối thiểu lên khoảng 20% cũng như có giải pháp miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy phát triển. Trong thập kỷ qua, dưới nhiệm kỳ của thủ tướng Orban, tỷ lệ người đói nghèo của nước này đã giảm 10%... Do đó có thể thấy, bên cạnh những vấn đề đối nội gặp phải thì chính phủ Orban vẫn giải quyết được những nút thắt quan trọng trong các vấn đề lớn của đất nước.

Bên cạnh những điểm tích cực đã làm được, chính phủ của Thủ tướng Orban trong nhiệm kỳ này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hungary được đánh giá là một trong những nơi tồi tệ nhất ở châu Âu khi có tỷ lệ tử vong trên đầu người đứng top cao nhất thế giới trong đại dịch Covid-19.

Giá nhà, chi phí năng lượng tăng đột biến kéo theo các chi phí sinh hoạt tăng đặc biệt với đối tượng trẻ, hay các vấn đề đang gây bức xúc trong nội bộ về giá trị con người, vấn đề pháp quyền… Bên cạnh đó, là quốc gia có chung biên giới với Ukraine, hơn 1 tháng nay, Hungary cũng phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới khoảng 500.000 người tị nạn Ukraine, một điều mà chính phủ Orban từ lâu đã tuyên bố không ủng hộ chính sách liên quan tới người nhập cư.

Một thách thức quan trọng khác trong nhiệm kỳ này chính là đường lối đối ngoại giữa Hungary với Nga cũng như trong cuộc chiến dàn xếp ý thức hệ mới ở Hungary và châu Âu. Trong nhiệm kỳ vừa qua của mình, Thủ tướng Orban đã thể hiện mối quan hệ đặc biệt với Moscow, ông cũng đã cố gắng thể hiện sự trung lập của Hungary trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine để cố gắng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nước này. Mà nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc này biện minh cho động thái của mình với Nga là một biện pháp bảo vệ an ninh và hạnh phúc cho người dân Hungary. Điều này đã phần nào chiếm được lòng tin và sự ủng hộ của người dân.

Trong bối cảnh khi cuộc chiến tại Ukraine chưa thể chấm dứt, chắc chắn các vấn đề dân chủ và giá trị pháp quyền của Hungary mà EU chỉ trích sẽ tạm thời lắng xuống bởi EU cần phải duy trì tính thống nhất trong cấu trúc an ninh châu Âu - Đại Tây Dương hiện nay. Tuy nhiên, trong dài hạn, dưới sức ép của EU, Thủ tướng Orban sẽ phải có điều chỉnh phù hợp cũng như bày tỏ rõ ủng hộ lập trường của EU và NATO, thậm chí điều chỉnh mối quan hệ với Nga trên cơ sở đảm bảo khối này không can thiệp sâu vào lĩnh vực hợp tác năng lượng của Hungary với Nga, bởi đây là yếu tố quan trọng cho sự phục hồi kinh tế của nước này. Ngoài ra, chính phủ Hungary cũng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để cân bằng quan hệ với các nước lớn cũng như thể hiện tầm vóc của mình trong khối EU.

Chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Orban trong thời gian tới

 Với một mối quan hệ thân thiết lâu năm, chính phủ mới của Hungary sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại hiện nay và trọng tâm là duy trì sự cân bằng mối quan hệ với Nga và EU để thúc đẩy các lợi ích kinh tế hậu đại dịch và giảm sức ép từ EU và NATO đối với các vấn đề dân chủ và pháp quyền của Hungary.

Thực tế, Liên minh châu Âu (EU) rất quan tâm đến cuộc bầu cử quốc hội Hungary bởi những lo ngại việc tái đắc cử của Thủ tướng Orban. Từ lâu, Thủ tướng Orban vẫn mâu thuẫn với EU và chịu nhiều chỉ trích về vấn đề Hungary đang đứng ngoài các giá trị truyền thống của EU, bao gồm cả việc sửa đổi hoàn toàn hệ thống luật pháp, các vấn đề pháp quyền và khởi xướng các chính sách chống người di cư, hay những tranh cãi về điều luật đối với cộng đồng LGBT.

Không ít nhà lãnh đạo và giới phân tích chỉ trích Thủ tướng Orban là người theo chủ nghĩa dân túy cơ hội, chỉ quan tâm đến quyền lực của chính mình. Trong 12 năm cầm quyền vừa qua, Thủ tướng Orban liên tục có những tranh chấp với EU, cũng như thiết lập mối quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo là Putin và Tập Cận Bình.

Nếu cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, có thể Thủ tướng Orban sẽ cân nhắc về mức độ thân thiết đối với Nga và Putin, nhưng sẽ không thay đổi nhiều trong chính sách đối ngoại. Bởi Chính phủ Orban sẽ không thể từ bỏ quan điểm trong hai vấn đề cụ thể hiện nay đó là hợp tác năng lượng với Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thủ tướng Hungary Orban đã khẳng định 60% dầu mà Hungary đang sử dụng được cung cấp từ Nga. Nó chiếm một vai trò quan trọng, là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm hóa học và nhiên liệu. Việc thay đổi nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và nhiều ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng thậm chí không thể hoạt động nếu nguồn cung từ Nga bị cắt giảm.

Xa hơn nữa, Thủ tướng Orban sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại đã được triển khai và đẩy mạnh trong 3 nhiệm kỳ qua đó là sử dụng mối quan hệ thân thiết với Nga và Trung Quốc để làm đòn bẩy phát triển dưới sức ép của các định chế của EU. Thông qua mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, chính phủ Hungary muốn EU hiểu rằng nước này đã có sẵn các giải pháp thay thế phù hợp trong trường hợp EU gia tăng sức ép trừng phạt vì các vấn đề liên quan tới các giá trị dân chủ và pháp quyền./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong bầu cử quốc hội
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong bầu cử quốc hội

VOV.VN - Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào hôm qua.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong bầu cử quốc hội

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong bầu cử quốc hội

VOV.VN - Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào hôm qua.

Cử tri nước ngoài có thể bỏ phiếu bầu cử Hungary tại 145 cơ quan đại diện ở 98 quốc gia
Cử tri nước ngoài có thể bỏ phiếu bầu cử Hungary tại 145 cơ quan đại diện ở 98 quốc gia

VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto ngày 2/4 cho biết, các cuộc bầu cử quốc hội và trưng cầu dân ý về “bảo vệ trẻ em” đã bắt đầu tại các cơ quan đại diện nước ngoài của Hungary từ lúc 11h sáng (theo giờ địa phương).

Cử tri nước ngoài có thể bỏ phiếu bầu cử Hungary tại 145 cơ quan đại diện ở 98 quốc gia

Cử tri nước ngoài có thể bỏ phiếu bầu cử Hungary tại 145 cơ quan đại diện ở 98 quốc gia

VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto ngày 2/4 cho biết, các cuộc bầu cử quốc hội và trưng cầu dân ý về “bảo vệ trẻ em” đã bắt đầu tại các cơ quan đại diện nước ngoài của Hungary từ lúc 11h sáng (theo giờ địa phương).

Bầu cử quốc hội Hungary: Đảng cầm quyền giành được lợi thế trước bầu cử
Bầu cử quốc hội Hungary: Đảng cầm quyền giành được lợi thế trước bầu cử

VOV.VN - Sáng 3/4 (theo giờ địa phương), cử tri Hungary sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra quốc hội mới.

Bầu cử quốc hội Hungary: Đảng cầm quyền giành được lợi thế trước bầu cử

Bầu cử quốc hội Hungary: Đảng cầm quyền giành được lợi thế trước bầu cử

VOV.VN - Sáng 3/4 (theo giờ địa phương), cử tri Hungary sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra quốc hội mới.

Hungary bị ảnh hưởng thế nào nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị dừng ngay lập tức?
Hungary bị ảnh hưởng thế nào nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị dừng ngay lập tức?

VOV.VN - Chính phủ Hungary phản đối mạnh mẽ việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga khi cho rằng nếu không có năng lượng nhập khẩu của Nga, nền kinh tế Hungary sẽ chững lại.

Hungary bị ảnh hưởng thế nào nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị dừng ngay lập tức?

Hungary bị ảnh hưởng thế nào nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị dừng ngay lập tức?

VOV.VN - Chính phủ Hungary phản đối mạnh mẽ việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga khi cho rằng nếu không có năng lượng nhập khẩu của Nga, nền kinh tế Hungary sẽ chững lại.