Những giải pháp năng lượng thay thế cho châu Âu nếu Nga cắt khí đốt
VOV.VN - Khí thiên nhiên hóa lỏng, than đá hay năng lượng tái tạo có thể là những giải pháp thay thế cho nguồn cung năng lượng của châu Âu trong trường hợp Nga cắt khí đốt vào khu vực này.
Các nước trên thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga do cuộc tấn công vào Ukraine. Trong khi việc đóng băng tài sản và đóng cửa không phận với máy bay Nga đã diễn ra, những lệnh trừng phạt lại đang bỏ sót một yếu tố quan trọng, đó chính là khí đốt.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là một ưu tiên trong những năm tới nếu muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn tiếp tục nhận nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga. Đây là những nhiên liệu không thể tái tạo, gây ra lượng lớn ô nhiễm không khí và là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất.
Khoảng 40% dầu và khí đốt của châu Âu được nhập khẩu từ Nga và Đức. Hiện tại, giá dầu lần đầu tiên đạt mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014 và giá khí đốt tự nhiên cũng tăng cao. Các nước châu Âu đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Tuần trước, các bộ trưởng năng lượng của châu Âu đã có cuộc họp tại Brussels để thảo luận về cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi khả năng. Châu Âu có đủ lượng khí đốt và dầu dự trữ để ứng phó với sự gián đoạn ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp khó khăn về nguồn cung dài hạn”, Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Barbara Pompili cho biết trong cuộc họp.
Dưới đây là một số lựa chọn năng lượng thay thế cho khí đốt của Nga ở châu Âu do Euronews tổng hợp.
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
Ở châu Âu, khí đốt là một vấn đề lớn mặc dù mùa đông sắp kết thúc nhưng khu vực này vẫn có nhu cầu nhập khẩu năng lượng. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga, đang hoạt động với công suất tối đa.
Nếu Nga cắt nguồn cung năng lượng ở châu Âu, khu vực này có thể phải chuyển hướng sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Mặc dù LNG được coi là ít gây ô nhiễm nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch nhưng nó vẫn góp phần gây ra thiệt hại đối với khí hậu.
Dù LNG có thể lấp đầy khoảng trống khí đốt của châu Âu trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng sẽ không có đủ LNG để đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng ở khu vực này. Mỹ đang cố gắng mua khí đốt tự nhiên từ những nơi khác trên thế giới thay vì từ Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Đức đang tìm cách nhập khẩu LNG từ Qatar và mua khí đốt từ các nước châu Âu khác. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng có thể xây dựng hai cơ sở LNG trong nước.
Italy đang xem xét việc tăng nguồn cung cấp khí đốt từ Algeria – quốc gia có đường ống khí đốt dẫn đến Tây Ban Nha và Italy. Một cơ sở LNG lớn tại Skikda, Algeria đã thúc đẩy sản lượng dầu và khí đốt trong năm 2021 lên 5%.
Đường ống này dẫn tới Italy với công suất dự phòng có thể được sử dụng để tăng nguồn cung năng lượng cho toàn châu Âu.
Than đá
Than đá cũng có thể là một giải pháp thay thế trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Một số chuyên gia nói rằng châu Âu có thể sẽ phải kích hoạt lại các nhà máy than cũ đã ngừng hoạt động.
Than được coi là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất và nguồn tăng nhiệt độ toàn cầu lớn nhất.
“Trong ngắn hạn, có thể để đề phòng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, chúng ta phải để các nhà máy than ở chế độ chờ và thậm chí phải để chúng hoạt động”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói.
Trong những năm gần đây, các nước châu Âu đã và đang dần ngừng vận hành cơ sở hạ tầng than khi thị trường năng lượng hướng tới một tương lai ít ô nhiễm hơn và giảm lượng khí thải carbon.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang “than đá vẫn là một thành phần quan trọng của năng lượng, đặc biệt là khi độ tin cậy của các nguồn năng lượng khác bị nghi ngờ”, Carlos Torres Diaz, người làm việc tại bộ phận nghiên cứu thị trường điện và khí đốt tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết.
Nếu Đức quay lại sản xuất than, nước này sẽ đi ngược lại với lời cam kết loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than cho tới năm 2030.
Năng lượng tái tạo
Một số nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm cả các nhà máy hạt nhân.
Đức đang đặt mục tiêu tăng tốc phát triển năng lượng mặt trời cùng với các dự án điện gió trên đất liền và ngoài khơi. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết, việc mở rộng năng lượng tái tạo nhanh hơn là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc của Đức vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Năng lượng hạt nhân cũng có thể là một lựa chọn thay thế. Năm 2021, sản lượng điện hạt nhân tăng 6% so với năm 2020 và là nguồn đóng góp lớn nhất vào sản xuất điện ở châu Âu kể từ năm 2014. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động và chi phí xây dựng các cơ sở này rất tốn kém. Thời gian hoạt động của chúng chỉ khoảng 40 năm.
Nhập khẩu nhiên liệu dựa trên khí hydro sạch cũng có thể đóng vai trò trong việc tìm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng châu Âu có thể bị tổn hại bởi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong nhiều thập kỷ nữa nếu nước này theo đuổi lộ trình sản xuất khí hydro sạch. Theo Tiến sĩ Max Lacey-Barnacle, nghiên cứu viên tại Trường Kinh doanh Đại học Sussex, Nga đang đẩy mạnh các kế hoạch sản xuất khí hydro.
“Nga đang hướng tới mục tiêu chiếm 20% thị phần khí hydro toàn cầu vào năm 2030, với khoản đầu tư 127 triệu USD trong 3 năm tới và tham vọng trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hydro”, ông Max Lacey-Barnacle nói.
Australia cũng là một nhà cung cấp hydro tiềm năng. Một nghiên cứu mới cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo của bang South Australia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia này trong cuộc đua cung cấp khí hydro sạch cho châu Âu thông qua cảng Rotterdam.
“Chúng ta cần đầu tư vào năng lượng tái tạo và cần thực hiện điều đó nhanh chóng. Nếu bạn thực sự muốn đảm bảo có thể cung cấp nguồn năng lượng ổn định, giá cả phải chăng cho người dân, thì năng lượng tái tạo chính là câu trả lời”, Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, cho biết./.