Những nơi trên đất Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân nếu nổ ra xung đột với Nga
VOV.VN - Nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Mỹ và Nga, khả năng cao chính lực lượng hạt nhân và cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ bị tấn công trước tiên…
Khả năng hiện hữu chưa từng thấy
Năm 2022, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng hiện nay, chiến tranh hạt nhân đã trở thành một điều có khả năng xảy ra sau khi Nga trước đó cảnh báo rằng họ đặt lực lượng hạt nhân của mình trong trạng thái báo động. Xung đột Ukraine đang diễn ra có nguy cơ lôi kéo khối quân sự NATO vào thế giao tranh trực tiếp với Nga. Kể từ khi Nga và lãnh đạo Liên Hợp Quốc đưa ra các lời cảnh báo, các mối đe dọa hạt nhân tiếp tục làm cho người ta lo ngại về khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được kích nổ thực sự trong xung đột, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Những lời cảnh báo của Tổng thống Nga Putin đã nhắm tới không chỉ lực lượng Ukraine trên chiến trường mà còn cả nước Mỹ và khối NATO.
Tháng 12/2022, Tổng thống Putin ám chỉ rằng Nga có thể từ bỏ học thuyết quân sự “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Theo học thuyết quân sự hiện nay của Nga, nước này sẽ chỉ dùng tới vũ khí hạt nhân như phương cách cuối cùng.
Tổng thống Putin nói rằng Mỹ có học thuyết về “đòn đánh phòng ngừa” trong khi Nga mới chỉ xây dựng chiến lược “đánh trả”. Ông cho biết, Nga đang xem xét thực tiễn và tư tưởng của Mỹ về đánh phủ đầu để bảo đảm an ninh. “Chúng tôi đang cân nhắc về điều này”.
Mặc dù nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Nga phát triển thành xung đột công khai là nhỏ, nguy cơ này tồn tại thật.
Các mục tiêu trên đất Mỹ có nguy cơ hứng chịu đòn tấn công hạt nhân
Hồi năm 2017, truyền thông Nga nói chi tiết về cách thức Nga tấn công các thành phố và khu vực của Mỹ sau khi hiệp ước hạt nhân giữa hai bên sụp đổ và đưa các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh vào tầm ngắm.
Khi ấy truyền thông nhà nước Nga quảng bá cho một loại trên lửa mới siêu thanh, có năng lực hạt nhân. Hãng thông tấn Reuters dẫn truyền hình Nga cho biết, Lầu Năm Góc, Trại David, Đài phát thanh hải quân Jim Creek ở Washington, Pháo đài Ritchie ở Maryland và Căn cứ không quân sự McClellan ở California sẽ là các mục tiêu cho vũ khí mới này.
Kể từ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đã vạch ra các kế hoạch về phương án tối ưu để tiến hành chiến tranh hạt nhân nhằm vào nhau. Các trung tâm đông dân với tầm ảnh hưởng văn hóa dường như là các mục tiêu hàng đầu cho một cuộc tấn công như thế. Tuy nhiên, các chiến lược gia tin rằng tấn công hạt nhân sẽ tập trung vào chính lực lượng hạt nhân của đối phương - phá hủy lực lượng này trước khi họ kịp phản công.
Stephen Schwartz, tác giả một cuốn sách về chi phí và hậu quả của vũ khí hạt nhân Mỹ tính từ năm 1940, cho biết: Với các cải tiến đối với vũ khí hạt nhân và công nghệ thu thập thông tin tình báo, khả năng phóng vũ khí này vào mục tiêu đã trở nên chính xác hơn nhiều. Trọng tâm chuyển từ tấn công các thành phố sang tấn công kho vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng liên quan đến hạt nhân.
Bản đồ sau là về các khu vực mà Nga có thể tấn công để xóa sạch lực lượng hạt nhân của Mỹ, theo tác giả Schwartz:
Bản đồ cho thấy các mục tiêu trong một cuộc tấn công tổng lực có khả năng nhằm vào cơ sở và vũ khí hạt nhân cố định của Mỹ, cũng như các trung tâm chỉ huy và điều khiển của Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc chiến hạt nhân giả định này sẽ không đơn giản dừng lại ở đó. Ngay cả trong tình huống tất cả kho vũ khí hạt nhân cất trữ của Mỹ, các hầm phóng tên lửa liên lục địa của Mỹ và các máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ đã bị san phẳng, Mỹ vẫn có thể sử dụng các tàu ngầm hạt nhân để trả đũa.
Theo Schwartz, vào bất cứ thời điểm nào, Mỹ cũng có 4 tới 5 tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân “được đặt trong trạng thái báo động cao, đi tuần tra ở các khu vực tương ứng và sẵn sàng đợi lệnh khai hỏa”.
Ngay cả các quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cũng không biết các tàu ngầm lặng lẽ này nằm ở đâu và Nga cũng khó phát hiện ra chúng trước khi các tàu này bắn trả, mà theo Schwartz, hoạt động này sẽ chỉ mất từ 5-15 phút.
Nhưng ngay cả một cuộc tấn công vào một khu vực dân cư tương đối thưa thớt vẫn gây chết người và gây ra những sự phá hủy nguy hiểm cho toàn nước Mỹ, tùy theo mức độ gió thổi mang theo bụi phóng xạ./.