Tổng thống Mỹ thăm Anh: “Thảm họa” đối với Thủ tướng Theresa May?
VOV.VN - Chưa đặt chân đến Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã khiến cuộc sống của Thủ tướng Theresa May như “địa ngục”.
Kể từ thời khắc tỷ phú Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, “tình bạn” giữa ông và bà Theresa May vẫn luôn là điều gì đó khá “gượng gạo”. Ông Trump dường như lúc nào cũng hừng hực khí thế tranh luận còn bà May thì làm tất cả mọi thứ để tránh một cuộc “khẩu chiến” công khai.
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Vanity Fair) |
Ai cũng hiểu cảm giác khi phải tỏ ra thân thiện với một người mà mình không có nhiều điểm chung chỉ vì đó là điều phải làm, và vì biết rằng, có rất nhiều người mà ta yêu quý sẽ thất vọng nếu ta không làm được như thế.
Nhưng tình huống ấy khó xử hơn nhiều đối với bà Theresa May khi người kia là ông Donald Trump, Tổng thống của cường quốc số một thế giới, đồng minh thân cận “như môi với răng” của Anh.
Ngay trước khi đặt chân đến Anh trong chuyến thăm chính thức đầu tiên lúc đã gần giữa nhiệm kỳ, ngay trước khi xuất hiện bên cạnh Thủ tướng nước chủ nhà, tay nắm tay thể hiện tình đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “dội bom” vào sự nghiệp chính trị của bà May chỉ trong 1 cuộc phỏng vấn chóng vánh.
Sai người, sai thời điểm
Tổng thống Mỹ mang theo một bầu không khí bao trùm những tranh cãi về định nghĩa cho chủ nghĩa dân tộc và sự cô lập đến với với một nước Anh đang chia rẽ sâu sắc vì Brexit.
Dấu hiệu chia rẽ rõ ràng và mới nhất ở Anh chính là việc Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis từ chức gần như cùng lúc để phản đối kế hoạch Brexit “mềm” của bà May.
Đúng lúc này, oái oăm thay, tân Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, người được cho là từng có quan điểm chống Brexit, lại công bố Sách trắng về Brexit của chính phủ mà công luận Anh đã chờ đợi lâu nay. Anh bổ nhiệm người từng có quan điểm chống Brexit làm ngoại trưởng
Thế nhưng phản ứng của những người ủng hộ Brexit hầu hết là tiêu cực và đặc biệt họ tỏ ra hoài nghi về một đề xuất được cho là sẽ khiến nước Anh phải chịu dưới quyền phán xét của Tòa án Công lý châu Âu.
“Đó là một sự bắt chước mờ nhạt của văn bản đã được chuẩn bị của ông David Davis, một thỏa thuận tồi cho nước Anh” – Jacob Rees-Mogg, một nhà quan sát ủng hộ Brexit, người trước đó đã viết về những cảm hứng mà ông Trump mang lại. “Đó không phải là điều mà tôi đã bỏ phiếu ủng hộ, cũng không phải là điều người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn”.
Đây không còn là vấn đề ai ở phe nào trong cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nữa. Thực tế cả 2 phe chọn “Ở lại” và “Ra đi” đang cùng một “chiến tuyến” để phê phán kế hoạch Brexit của bà May.
Những người vốn muốn Anh ở lại EU cho rằng thật điên rồ khi nghĩ các thỏa thuận thương mại với những nước không thuộc EU có thể bù đắp cho những thiệt hại khi rời khỏi khối.
Còn những người chọn Brexit cho rằng, điên rồ là ở chỗ chính phủ dám tuyên bố nước Anh có thể hưởng lợi tối đa từ bên ngoài trong khi vẫn gắn chặt với mọi quy định của EU. Và Tổng thống Trump chính là người chứng minh những người chọn Brexit có lý.
“Ảo tưởng” về Brexit
Chính phủ Anh lâu nay đã tạo ra “ảo tưởng” rằng, thỏa thuận thương mại với các nước bên ngoài EU là một trong những lợi ích mà Brexit mang lại, đồng thời khẳng định rằng lựa chọn để Anh tiếp tục gắn kết chặt chẽ với EU sẽ không hủy hoại những cơ hội bên ngoài đó. Thủ tướng Theresa May điều hành chính phủ theo phong cách cẩn trọng, tỉ mỉ và có phương pháp, vì thế bà cho rằng cần phải dịu dàng lôi kéo để ông Trump ký thỏa thuận với Anh thời hậu Brexit.
Thế nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn The Sun ngày 12/7, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa tước bỏ cơ hội cho một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh nếu bà May vẫn cứ làm theo kế hoạch Brexit “mềm” với quá nhiều nhượng bộ và thận trọng kia. Theo Tổng thống Donald Trump, bà May đã không lắng nghe lời khuyên của ông về việc làm thế nào để đàm phán với EU. Ông Trump: Brexit mềm sẽ “giết chết” thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ
“Người dân [Anh] đã bỏ phiếu chọn ra đi” – Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đã không thực hiện kế hoạch “chia tay” EU như kết quả trưng cầu ý dân đã chọn. “Có lẽ họ đã chọn một con đường hơi khác một chút. Tôi không biết liệu đó có phải là điều mà họ đã bỏ phiếu chọn hay không”.
Cách tiếp cận của bà May đối với Brexit vẫn luôn chậm rãi, nhẹ nhàng từng bước một như thể đang bê một chiếc bình gốm cổ quý giá đi qua đoạn đường trơn trượt. Bà May có thể làm tất cả, từ việc thể hiện tính thực dụng đến việc xóa nhòa những khác biệt, để có thể vượt qua đoạn đường đó mà không làm sứt mẻ chiếc bình gốm quý kia, dù nó biểu trưng cho Đảng Bảo thủ cầm quyền của bà hay cho nước Anh.
Còn ông Trump sẵn sàng đập vỡ chiếc bình thành từng mảnh, kèm theo lời chỉ trích bà May vì đã quá lề mề.
Vị trí Thủ tướng bị lung lay
Nếu như “tấn công” vào kế hoạch Brexit bị cho là yếu đuối của bà May là chưa đủ, thì việc ông Trump “bóng gió” về khả năng gặp cựu Ngoại trưởng Boris Johnson thực sự như “nhát dao” đâm sau lưng Thủ tướng Anh. “Mệt mỏi” với Thủ tướng Anh, ông Trump không gặp bà May tại G7
“Boris Johnson là một người bạn của tôi” – ông Trump chia sẻ với báo giới tuần trước. “Ông ấy rất tử tế với tôi, rất ủng hộ và có thể tôi sẽ nói chuyện với ông ấy khi tới đó. Tôi thích Boris Johnson, luôn luôn thích ông ấy”. Đại sứ Mỹ tại Anh Woody Johnson sau đó cũng để ngỏ khả năng ông Trump có chuyến viếng thăm không chính thức “người bạn” đặc biệt này.
Ông Trump còn không ngại “vỗ mặt” bà May khi cho rằng, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, một trong những người vừa từ chức để phản đối Brexit “mềm”, có tiềm năng là “một Thủ tướng tuyệt vời”, trong khi chỉ miêu tả bà May là “một người tốt”.
“Tôi chỉ nói thế này thôi, tôi nghĩ ông ấy sẽ là một Thủ tướng tuyệt vời… Tôi nghĩ ông ấy có tố chất cần thiết cho vị trí đó” – ông Trump nói.
Thủ tướng Anh có lẽ đang cầu nguyện trong tuyệt vọng rằng ông Boris Johnson và những người ủng hộ Brexit “cứng” trong Đảng Bảo thủ không thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà, cũng có nghĩa là đối với kế hoạch Brexit “mềm”, sau 1 tuần Nội các hỗn loạn vì các cuộc từ chức.
Đúng lúc ấy, ông Trump, người đặc biệt khó đoán trong đàm phán và thỏa thuận, lại ra thêm đòn với bà May bằng việc đưa ra một lá phiếu bất tín nhiệm “vô hình” với Brexit, qua đó nâng tầm ông Boris Johnson và phe Brexit “cứng”. Đối với bà May, lá phiếu bất tín nhiệm “vô hình” của ông Trump đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn./.