Quân bài khí đốt có còn đủ sức mạnh trong tay Nga?
VOV.VN - Trong khi châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga về khí đốt, Moscow cũng rất cần những khách hàng giàu có ở châu Âu.
Bài 1: Nga và phương Tây đã đánh mất nhau như thế nào?
Trong nhiều thế kỷ, các hoàng gia châu Âu thường sử dụng các cuộc hôn nhân sắp đặt với bạn bè, thậm chí là kẻ thù để đảm bảo an ninh và an toàn, tranh các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ. Nổi bật trong số đó là Nga.
Trong suốt ba thế kỷ trước thời điểm năm 1894 khi Sa hoàng Nga Nicholas II kết hôn với cháu gái của Nữ hoàng Victoria Alexandra, gần như Nga luôn có mối quan hệ ràng buộc với các hàng xóm châu Âu thông qua các cuộc hôn nhân. Ngày nay, dòng máu Hoàng gia không còn giúp Nga củng cố quan hệ đối ngoại mà thay vào đó, các đường ống dẫn năng lượng đang là “mạch máu” liên kết các lợi ích của Nga với châu Âu.
Sợi dây liên kết “khí đốt” níu kéo Nga và phương Tây
Khi mùa đông châu Âu ngày càng khắc nghiệt hơn thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng để đáp ứng nhu cầu dân sinh ngày càng tăng cao, làm cho Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc nhiều hơn vào Nga - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất hiện nay. Năng lượng từ lâu đã được cho là một trong những con bài cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, Nga đang sử dụng nguồn năng lượng như một đòn bẩy chính trị quan trọng để gây ảnh hưởng đối với các quốc gia châu Âu.
Với một hệ thống đường ống dẫn khí đốt dài khoảng 150.000 km, Nga được coi là nước có hệ thống đường ống dẫn năng lượng dài nhất thế giới hiện nay. Có thể nói Nga chi phối hầu như toàn bộ các hệ thống ống dẫn khí đốt của thế giới và phân bố rộng khắp, xuyên suốt lãnh thổ châu Âu.
Quan trọng nhất phải nói đến hai hệ thống Dòng chảy phương Bắc (North Stream) và Dòng chảy phương Nam (South Stream) đang được hoàn thiện. Thậm chí Tổng thống Putin còn mô tả rằng, "lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này tương đương với năng lượng của 11 nhà máy điện hạt nhân”.
Khi đi vào hoạt động ổn định, hai hệ thống đường ống này sẽ tạo cho nước Nga lợi thế vô cùng lớn trong cuộc chiến năng lượng. Đó cũng sẽ là biểu tượng cho sự trở lại của Nga trên bàn cờ chính trị châu Âu, làm thay đổi vị thế của nước Nga trong quan hệ với châu Âu.
Là một nhà sản xuất khí tự nhiên lớn nhất nhì của thế giới, Nga hoàn toàn có cơ sở để khiến châu Âu phải lo ngại nếu họ ngừng cung cấp khí đốt. Bất cứ đường ống dẫn khí đốt nào ở Ukraine ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều phần của châu Âu.
Không giống như dầu mỏ, vốn được vận chuyển bằng các thùng chứa lớn và có giá chung toàn cầu, hầu hết lượng khí đốt được tiêu thụ ở châu Âu đều được vận chuyển và định giá bởi nước Nga. Và các tuyến đường ống dẫn này đa phần đi qua Ukraine. Điều đó khiến toàn châu Âu dễ bị ảnh hưởng một khi đường ống dẫn khí ở Ukraine ngừng hoạt động.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga kiểm soát tới 1/5 trữ lượng khí đốt của toàn thế giới, là nguồn cung cấp khí đốt cho hơn một nửa đất nước Ukraine và khoảng hơn 30% của châu Âu mỗi năm thông qua mạng lưới đường ống dẫn khí Nga-Ukraine-châu Âu.
Đường ống dẫn khí từ Ukraine ngừng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng các nước ở khu vực phía Đông châu Âu chịu ảnh hưởng tức thì, trong khi khu vực phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn. Mạng lưới đường ống dẫn khí ở Ukraine cũng đóng vai trò như nguồn cung cấp năng lượng chính tới Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và ngược lại tới Nga.
Châu Âu ái ngại vì “quân át chủ bài” của Nga
Thực tế cho thấy Mỹ và các nước châu Âu có khả năng dùng đòn kinh tế để gây áp lực với Moscow khi hai bên đã gây dựng những mối quan hệ khá chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, thương mại, đầu tư, đến năng lượng… Nhưng cho tới lúc này, phương Tây dọa trừng phạt kinh tế và thương mại nước Nga thì nhiều, nhưng các biện pháp mạnh trên thực tế thì dường như vẫn "án binh bất động”.
Theo giới phân tích, trừng phạt kinh tế luôn là con dao hai lưỡi mà những tác động đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Do lệ thuộc rất lớn vào Nga, nên EU sẽ rơi vào khủng hoảng nếu Moscow ngừng cung cấp khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế.
EU tỏ ra quan ngại về bức thư của Tổng thống Putin gửi các nhà lãnh đạo EU mới đây, trong đó cảnh báo trong trường hợp bất đắc dĩ Tập đoàn khí đốt Gazprom có thể dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt sang Ukraine, đồng nghĩa với việc dòng chảy khí đốt sang châu Âu sẽ bị gián đoạn.
Có lẽ người dân châu Âu chưa thể nào quên tình cảnh thiếu khí đốt mà họ phải chịu đựng vào giữa mùa Đông lạnh giá xảy ra vào năm 2006 và 2009 - hậu quả của các bất đồng liên quan đến giá khí đốt giữa Nga và Ukraine.
Cuối năm 2005, Gazprom tuyên bố kế hoạch tăng giá bán khí đốt cho Ukraine từ 50 USD/1.000m3 lên 230 USD/1.000m3. Lý do mà Gazprom đưa ra chỉ đơn thuần là họ muốn một cái giá phù hợp với thị trường. Động thái này lúc đó không liên quan tới mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine với phương Tây hay NATO. Tuy nhiên, Kiev đã từ chối mức giá này dẫn đến việc Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine từ ngày 1/1/2006.
Hậu quả dường như có ngay lập tức và không chỉ đối với mình Ukraine - quốc gia có mạng lưới đường ống dẫn khí đốt dày đặc được xây dựng từ thời Xô Viết để cung cấp cho các nước thành viên EU và nhiều nước khác. Trên 1/4 lượng khí đốt mà EU tiêu thụ là do Nga cung cấp, và hơn 80% trong số đó được vận chuyển thông qua mạng lưới đường ống dẫn ở Ukraine. Bởi vậy mà kể từ khi Nga khóa các đường ống dẫn dầu này, Áo, Pháp, Đức, Hungary, Italy và Ba Lan lập tức lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi nguồn cung giảm tới 30%.
Chỉ 3 năm sau, vào năm 2009, sự việc tiếp diễn khi Gazprom yêu cầu tăng giá khí đốt lên 400 USD/1.000 mét khối, Kiev lập tức từ chối, dẫn đến việc Gazprom chỉ cung cấp lượng khí đốt vừa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân Ukraine kể từ đầu năm 2009.
Viễn cảnh về một “kỷ băng hà” cho lục địa già
Châu Âu nhập khẩu khoảng 1/3 tổng lượng khí tự nhiên từ Nga và gần 1/2 trong số đó được chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Theo ước tính, trong năm 2012, có trên 84 tỷ m3 khí từ Nga xuất khẩu sang châu Âu đi qua Ukraine.
Trong “mùa thấp điểm” như hiện nay, châu Âu có thể nhận được đủ lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream hoặc thông qua các đường ống qua đặt trên lãnh thổ Belarus. Tuy nhiên, theo ông Aleksandr Pasechnik, người đứng đầu bộ phận phân tích của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga cho rằng, vào mùa đông, các đường ống quá cảnh qua Ukraine sẽ là vô cùng quan trọng.
Trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, một số nước châu Âu có lượng khí đốt dự trữ lớn như Litva sẽ có đủ khí đốt sử dụng trong khoảng 1 năm nhưng các nước khác như Bulgaria chỉ đủ lượng khí đốt dự trữ trong chưa đầy 2 tháng. Vì vậy, nếu nguồn cung từ Nga qua Ukraine bị ngưng trong thời gian dài, châu Âu có thể phải đối mặt với mùa đông cực kỳ lạnh giá.
Châu Âu cũng có thể đa dạng hóa nguồn cung bằng cách nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy, Hà Lan hoặc từ Azerbaijan – quốc gia giàu dầu mỏ ở phía nam của Nga trên biển Caspi. Những nguồn này có thể cung cấp cho châu Âu 200 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Tuy nhiên, nhập khẩu LNG sẽ cực kỳ tốn kém. Theo ước tính, nếu việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine bị ngưng trệ, giá khí đốt ở Anh và nhiều quốc gia châu Âu khác có thể tăng hơn gấp đôi.
Quân bài khí đốt có giúp Nga tạo lợi thế?
Nói như vậy không có nghĩa là Nga đang nắm trong tay hoàn toàn lợi thế. Trong khi châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga về khí đốt, Moscow cũng rất cần những khách hàng giàu có ở châu Âu.
Theo thống kê, các sản phẩm xuất khẩu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm 70% trong kim ngạch xuất khẩu 515 tỷ USD năm 2013 của Nga. Nguồn thu từ năng lượng đóng góp tới 25% GDP và gần 50% nguồn thu của chính phủ. Châu Âu hiện là thị trường khí đốt lớn nhất của Nga.
Dầu mỏ (không như khí đốt) dễ cất giữ, vận chuyển và buôn bán, khiến một khách hàng lớn không có vai trò quan trọng lắm. Nhưng khí đốt thì khác, phải được chuyển qua các đường ống đến những khách hàng gần như là cố định.
Trên lý thuyết, khí đốt với vai trò vũ khí ngoại giao của Nga có thể là con dao hai lưỡi. Nếu Nga làm căng hơn ở Ukraine và EU đáp trả, việc xuất khẩu khí đốt của Nga có thể ngưng trệ và ngay cả với 475 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Kremlin vẫn có thể lâm vào cảnh “miệng ăn núi lở” nếu không tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt.
Trong bối cảnh mối quan hệ với các đối tác châu Âu đang ngày một xấu đi, Nga đương nhiên sẽ không thể chấp nhận ngồi yên và trên thực tế, Moscow đã nhanh chóng bắt tay vào việc tìm kiếm khách hàng mới để không bị rơi vào tình trạng khó khăn tài chính và kinh tế. Không phải châu Âu, những khách hàng tiềm năng của Nga đương nhiên chỉ có thể đến từ châu Á – khu vực kinh tế phát triển sôi động nhất trên thế giới hiện nay./.
Đón đọc bài 3: Nga "xoay" sang châu Á bằng chính sách dầu mỏ