Sai lầm của Ukraine khiến một số lữ đoàn mới thành lập "chưa đánh đã tan"
VOV.VN - Các lữ đoàn mới thành lập trong quân đội Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng ở tuyến đầu. Một số lữ đoàn thậm chí nhanh chóng tan rã ngay khi được điều động ra chiến trường.
Một số lữ đoàn mới thành lập "chưa đánh đã tan"
Dưới áp lực phải chứng minh với cho các đối tác phương Tây thấy rằng Ukraine vẫn còn lực lượng dự bị và luôn duy trì khả năng tiếp tục chiến đấu, Tổng thống Zelensky và các tướng lĩnh cấp cao tại Ukraine đã thành lập các lữ đoàn mới. Điều này diễn ra bất chấp những lời chỉ trích cho rằng, việc bổ sung binh sỹ và thiết bị mới cho các lữ đoàn cũ có thể hợp lý hơn xét về mặt quân sự.
Tình trạng quản lý kém, sự thiếu kinh nghiệm đã khiến nhiều lữ đoàn suy giảm sức chiến đấu, bị mất lãnh thổ và chịu thương vong lớn. Các phương pháp đào tạo của NATO được cho là không phù hợp với thực tế của xung đột hiện đại. Mặc dù nhận được trang thiết bị tiên tiến và có nhân sự được đào tạo bài bản, các lữ đoàn này vẫn chưa thể tạo ra đột phá lớn trên mặt trận.
Theo giới phân tích, các đơn vị này thiếu “trụ cột” chỉ huy và kiểm soát vững chắc. Thành phần cốt lõi của họ bao gồm các sĩ quan dự bị hoặc sĩ quan chưa từng tham gia chiến đấu. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là Lữ đoàn cơ giới 155 của Ukraine. Mặc dù có nhân sự được đào tạo tại Pháp và trang bị nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại, nhưng lực lượng chỉ huy của đơn vị này lại thiếu kinh nghiệm quản lý, tổ chức và các yếu tố hỗ trợ quan trọng, khiến lữ đoàn 155 họat động kém hiệu quả. Ước tính 1.700 binh sĩ của lữ đoàn đã đào ngũ hoặc tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu.
Hầu hết những lữ đoàn mới thành lập của Ukraine được trang bị vũ khí và phương tiện tiên tiến của phương Tây, trong đó có xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và xe tăng. Nhưng binh lính đều không được đào tạo đầy đủ để vận hành hiệu quả các thiết bị này trong chiến đấu.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, một trong những sai lầm đáng tiếc của Ukraine là điều động các kỹ sư hay chuyên gia giàu kinh nghiệm – những người biết cách vận hành các loại vũ khí như vậy, sang thực hiện nhiệm vụ dành cho bộ binh. Do thiếu nhân lực, pháo binh, thợ máy, xạ thủ chống tăng và người điều khiển máy bay không người lái được tạm thời bố trí vào các vị trí bộ binh.
Tại châu Âu, binh lính có thể học các kỹ năng cơ bản như bắn súng trường và ném lựu đạn, nhưng điều này chỉ chiếm 10-15% kỹ năng cần thiết để sống sót. Để tồn tại trên chiến trường, một người lính bộ binh phải biết cách ngụy trang, cơ động, thiết lập vị trí, chống lại máy bay không người lái, cung cấp viện trợ y tế, tiến hành giám sát, báo cáo chính xác và phối hợp với đồng đội. Niềm tin vào sự lãnh đạo, đảm bảo lập kế hoạch và hỗ trợ toàn diện là điều tối quan trọng.
Nhưng quy trình này thường bị bỏ qua khi những lữ đoàn mới của Ukraine tiếp nhận sự đào tạo của phương Tây do thời gian gấp gáp. Chỉ các đơn vị dày dạn kinh nghiệm ở Ukraine mới có những kỹ năng như vậy, song số lượng đơn vị này lại quá ít ỏi.
Thông thường, một người lính bộ binh được cung cấp một khẩu súng trường tấn công, 4 băng đạn, áo giáp, mũ bảo hiểm, bộ sơ cứu và quân phục. Tuy nhiên, để sinh tồn họ cũng cần có radio, pin dự phòng, máy tính bảng, băng đạn bổ sung, lựu đạn, hệ thống tác chiến điện tử vô tuyến chiến hào và máy bay không người lái như Mavic.
Khi một binh sỹ có kinh nghiệm thực chiến, được gia nhập đơn vị trang bị đầy đủ nguồn lực và tin tưởng vào vai trò dẫn dắt của các chỉ huy, họ sẽ chiến đấu hiệu quả.
Ngược lại, những binh sỹ được điều đến các vị trí chiến đấu ngay sau khi được huấn luyện tại châu Âu hoặc huấn luyện quân sự cơ bản ở Ukraine, mà không có sự trang bị thêm, thường phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Sai lầm của Ukraine
Theo Kiev Indepenent, các sĩ quan của Lữ đoàn cơ giới 155 không thể đưa quân đến các vị trí gần Pokrovsk ở tỉnh Donetsk vì phương tiện vận chuyển của họ thiếu hệ thống tác chiến điện tử vô tuyến, khiến họ không thể điều hướng an toàn. Chưa kể, họ không có thời gian dành cho việc phối hợp, thích nghi và phân bổ nhiệm vụ hiệu quả. Sự thiếu chuẩn bị này đã khiến lữ đoàn thất bại khi tác chiến và nhanh chóng sụp đổ.
Nhà phân tích Serhii Filimonov của Ukraine cho rằng, việc đào tạo ở nước ngoài, nếu không được điều chỉnh phù hợp với điều kiện chiến đấu của Ukraine và kết hợp với tình hình thực tế, thì không những không hiệu quả mà còn rất nguy hiểm.
Nhà phân tích quân sự Agil Rustamzade của Azerbaijan nhận định, việc quân đội Ukraine tập trung thành lập các lữ đoàn mới từ những tân binh mới được tuyển dụng, thay vì củng cố các đơn vị dày dạn kinh nghiệm chiến đấu là sai lầm không đáng có.
“Liệu việc thành lập các lữ đoàn mới có phù hợp với thực tế ngày nay không? Có một sự khác biệt đáng kể giữa một đơn vị sẵn sàng chiến đấu có kinh nghiệm chiến đấu và một đơn vị chưa từng tham chiến trận nhưng lại được tung ra tiền tuyến”, ông Rustamzade lưu ý.
Ông Rustamzade chỉ ra rằng, các chỉ huy Ukraine dường như chưa chú trọng nhiều đến tiến trình luân phiên và bổ sung nguồn lực cho các đơn vị chiến đấu. Điều này đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn như việc Lữ đoàn cơ giới số 72 phải rút lui ở Vuhledar, tỉnh Donetsk sau thời gian dài chiến đấu tại đây trong tình trạng mệt mỏi và kiệt quệ.
“Mọi thứ đã thay đổi trong năm qua. Nếu Ukraine muốn thực hiện hoạt động phòng thủ chiến lược thì họ không hề cần những đơn vị mới”, ông Rustamzade nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích này, Ukraine có thể tận dụng chuyên môn và kỹ năng của các đơn vị đã được thử thách trong chiến đấu để tăng quy mô quân đội theo một cách tiếp cận khác.
“Ukraine có thể luân chuyển một lữ đoàn, hoặc chia thành hai, lấp đầy khoảng trống bằng những tân binh. Từ một lữ đoàn ban đầu, họ sẽ có hai lữ đoàn sau khi bổ sung thêm binh sỹ. Cả hai sẽ đều có sĩ quan và binh lính giàu kinh nghiệm. Khi một đơn vị có 2 hoặc 3 tân binh, một binh sỹ có kinh nghiệm có thể hướng dẫn họ. Nhưng đơn vị chỉ toàn những người mới, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, thì không ai có thể dẫn dắt họ”, nhà phân tích Rustamzade lưu ý.