Sau bầu cử Tổng thống vòng 1, Pháp kêu gọi đoàn kết chống cực hữu
VOV.VN - Câu hỏi đặt ra với cử tri Pháp là liệu họ có thể hiện được sự đoàn kết để dồn toàn bộ số phiếu ngăn chặn ứng cử viên cực hữu hay không?
Sau cuộc bầu cử vòng 1, nước Pháp và cả châu Âu chờ đợi trong lo âu cuộc đấu vòng 2 vào ngày 7/5 tới. Liệu người dân Pháp có đủ đoàn kết để chống lại nguy cơ cực hữu lên cầm quyền tại Pháp trong vòng hai, như họ đã từng làm cách đây 15 năm, khi dồn phiếu cho ông Jacques Chirac, loại bỏ ứng cử viên Jean Marie Le Pen – cha của bà Marine Le Pen Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu khi đó?
Việc hai ứng cử viên Macron và Le Pen chiến thắng ở vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp không gây nhiều bất ngờ. (Ảnh: lesechos)
Việc hai ứng cử viên Macron và Le Pen chiến thắng ở vòng một đã được giới phân tích ở Pháp nói đến nhiều với độ chắc chắn rất cao nên kết quả này không gây nhiều bất ngờ.
Tuy nhiên, kết quả này cũng vẫn tạo một sự hẫng hụt nơi người Pháp, vốn đã quen với nền chính trị truyền thống gồm cánh tả và cánh hữu, thì giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, họ sẽ phải lựa chọn giữa hai nhân vật không thuộc phe phái truyền thống nào: hoặc ứng cử viên tự do Emmanuel Macron hoặc ứng cử viên của phe cực hữu Marine Le Pen. Dù không mấy tích cực, nhưng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này sẽ đi vào lịch sử nền Cộng hòa Pháp với nhiều điểm chưa từng có trong lịch sử.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, các ứng cử viên thua cuộc như ông Francois Fillon và ông Benoit Hamon đã lập tức đăng đàn kêu gọi bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron để ngăn chặn nguy cơ nước Pháp có một Tổng thống cực hữu, sẽ là thảm họa lớn không chỉ với nước Pháp mà với cả châu Âu và toàn thế giới.
Khoảng cách chênh lệch không lớn vì thế thực ra không quá quan trọng, bởi nhiều khả năng là cử tri ủng hộ các ứng cử viên còn lại phần đông sẽ bỏ phiếu cho ông Macron. Macron hay Le Pen: Dù là ai, nước Pháp cũng đang thay đổi
Ngay từ đầu, người Pháp đã nhấn mạnh sẽ không để nhân vật cực hữu lên lãnh đạo nước Pháp. Tương tự như vào năm 2002, cha của bà Le Pen là ông Jean Marie Le Pen – Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu đã tạo cú sốc chính trị lớn khi vào được vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Khi đó, cử tri Pháp đã được kêu gọi dồn phiếu cho ứng cử viên Jacques Chirac để kiên quyết ngăn chặn ông Le Pen.
Câu hỏi đặt ra với cử tri Pháp là liệu họ có thể hiện được sự đoàn kết giống như cách đây 15 năm hay không để dồn toàn bộ số phiếu ngăn chặn ứng cử viên cực hữu hay không ? Điều này rất khó nói bởi tình hình chính trị, bối cảnh thế giới, châu Âu và nước Pháp đã khác rất xa so với cách đây 15 năm, với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa ly khai trong thế giới phương Tây, thể hiện qua Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ.
Điểm đặc biệt nguy hiểm mà cử tri Pháp không thể chủ quan là trong khi tỷ lệ cử tri vắng mặt trong bầu cử là khá đông, thì độ “ổn định” và quyết tâm của các cử tri ủng hộ bà Le Pen lại là cao nhất. Và chưa từng có trong lịch sử và truyền thống của người Pháp vốn kín tiếng trong những tuyên bố về chính trị, thì giờ đây nhiều người công khai cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Le Pen, cho cực hữu – vốn là một chủ đề cấm kỵ trong đời sống chính trị xã hội ở Pháp trong thời gian dài. Bầu cử Tổng thống Pháp: Emmanuel Macron và Marine Le Pen vào vòng 2
Về phần mình, ông Macron tỏa sáng trong lĩnh vực kinh tế tài chính, như ông từng thể hiện dù trong thời gian ngắn làm Bộ trưởng kinh tế trong chính phủ Hollande, nhưng vẫn còn yếu về mặt an ninh do đó ông sẽ phải cải thiện bằng việc liên kết và tìm cho mình những nhân vật thân cận sáng giá về an ninh để làm yên lòng người dân Pháp trong bối cảnh khủng bố xảy ra liên tục như vừa qua.
Còn 2 tuần nữa, tức là sau ngày 7/5, nước Pháp mới có nhà lãnh đạo mới kế nhiệm ông Francois Holande. Tuy nhiên, dù ai “chèo lái” nước Pháp cũng sẽ đối mặt với những thách thức rất lớn, đặc biệt là việc hàn gắn, củng cố niềm tin và tình đoàn kết trong lòng nước Pháp.
Thực tế thời gian qua cho thấy các đảng phái truyền thống cả tả và hữu ở Pháp đang bị khủng hoảng sâu sắc. Tất cả khiến cử tri Pháp hoàn toàn mất niềm tin và mất phương hướng trong cuộc bầu cử lần này. Để lấy lai niềm tin đó, cũng như giải quyết loạt vấn đề phức tạp từ đe dọa khủng bố, kinh tế u ám, thất nghiệp cao… sẽ là thách thức rất lớn.
Có thể nói cả nước Pháp và châu Âu chờ đợi trong lo âu kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai vào ngày 7/5 tới.
Nếu bà Le Pen lên làm Tổng thống, thì không chỉ chính trị Pháp có thay đổi căn bản, mà còn tạo nên cú sốc địa chính trị lớn nhất ở châu Âu từ Thế chiến thứ hai đến nay, thậm chí đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của Liên minh châu Âu./. Hình ảnh đầu tiên về cử tri Pháp trên toàn thế giới đi bỏ phiếu