Thấy gì sau hơn một năm rưỡi cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump?
VOV.VN - Kể từ khi nhậm chức từ tháng 1/2017 đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm nhiều việc được cho là “khác lạ”.
Các công việc khác lạ đó bao gồm việc rút khỏi các thỏa thuận, chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem, dựng hàng rào thuế quan trong quan hệ thương mại với nhiều quốc gia...
Giới nghiên cứu và dư luận cho rằng chính sách của ông đã gặt hái được một số thành công nhất định, nhưng cũng còn nhiều điều “lợi bất cập hại”.
Từ chính sách có phần “khác lạ”…
Với phương châm “nước Mỹ trên hết”, sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đưa ra các chính sách mới: Ban hành Luật cải cách thuế; đề xuất bãi bỏ Đạo luật Obamacare; đưa Mỹ rút khỏi TPP; đàm phán lại NAFTA; ngừng đàm phán FTA với EU; rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA News 247. |
Tổng thống Trump sử dụng chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước và tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cắt giảm mạnh các chương trình viện trợ, siết chặt chi tiêu ngoại giao, cắt giảm các khoản phân bổ cho Liên Hợp Quốc (LHQ) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Mỹ; tuyên bố sẽ chấm dứt viện trợ cho Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của LHQ; rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ông thay đổi chính sách nhập cư, ban hành lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ một số quốc gia. Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến thành phố này; ban hành dự luật trừng phạt Nga; tuyên bố rút khỏi JCPOA và áp đặt trở lại lệnh trừng phạt với Iran; hai lần ra lệnh tấn công Syria bằng tên lửa.
Trong Chiến lược quốc phòng mới, Tổng thống Trump khẳng định Nga, Trung Quốc là đối thủ và có những bước chuyển trọng điểm đối phó với những mối đe dọa đến từ hai quốc gia này. Ông quyết định cắt giảm viện trợ cho quân đội các nước châu Phi; tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2018, 2019; thành lập Quân chủng Vũ trụ riêng biệt.
Trong quan hệ với đồng minh, Tổng thống Trump chủ trương tăng các khoản đóng góp ngân sách của các nước thành viên NATO; tuyên bố áp thuế nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico; trừng phạt kinh tế, thậm trí còn dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Trump đã thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên, sử dụng chính sách “gây sức ép tối đa”, nhưng sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để đàm phán kết thúc chiến tranh ở bán đảo này. Ông đưa ra chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” thay cho chiến lược châu Á-Thái Bình Dương; đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm B. Obama trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Đến những thành công bước đầu…
Đánh giá một cách khách quan, sau hơn một năm rưỡi cầm quyền Tổng thống Trump đã có những thành công bước đầu đáng ghi nhận. Với những bước tiến nổi bật về cải cách thuế, cắt giảm thủ tục hành chính. Ông đã ký ban hành cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, trị giá 1.500 tỷ USD. Đẩy mạnh việc bãi bỏ các quy định hành chính rườm rà.
Kinh tế Mỹ được đánh giá có những bước phát triển tích cực. Quy mô nền kinh tế hiện đã vượt qua con số 20.000 tỷ USD, GDP năm 2017 tăng 2,3%, quý 2/2018 tăng 4,1%, nửa đầu năm 2018 tăng 3%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo GDP của Mỹ tăng 2,8% trong năm 2018, tỷ lệ lạm phát 2,1%. Gần 3 triệu việc làm được tạo thêm, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo giảm xuống còn 3,6% trong năm nay.
Người Nga không còn thích Tổng thống Trump
Vừa qua Mỹ, Canada và Mexico đã ký Hiệp định thương mại USMCA. Đây được coi là phiên bản NAFTA 2.0 được kỳ vọng sẽ trở thành “đòn bẩy” để các nước Bắc Mỹ hóa giải “cuộc chiến” thương mại vốn làm quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước láng giềng lao dốc kể từ năm 2017.
Nhà Trắng nhận định Tổng thống Trump đã tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế. Các nước NATO chấp thuận tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP. Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thành công lớn nhất của Tổng thống Trump là cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, mở ra cơ hội hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên mà các tổng thống tiền nhiệm chưa làm được.
Và còn những “lợi bất cập hại”
Một là, chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump làm thiệt hại chính nền kinh tế Mỹ, nhất là trong dài hạn. Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chi tiêu sẽ vượt thu 804 tỷ USD trong năm tài chính 2018. Đến năm 2020, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ vượt 1.000 tỷ USD.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 3/8 công bố, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 với Trung Quốc là 33,5 tỷ USD (tăng 0,9%), với Mexico là 7,4 tỷ USD (tăng 10,5%) và với Canada là 2 tỷ USD (tăng 39,7%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là 291,2 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nghiên cứu của Viện Bertelsmann (Đức), trong trường hợp xấu nhất do tác động của chính sách bảo hộ, tăng trưởng kinh tế hằng năm của Mỹ sẽ giảm 2,3%, thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 1.300 USD/năm về dài hạn.
Hai là, chính sách mới của Tổng thống Trump được cho là phục vụ những chủ doanh nghiệp giàu có, đặt lợi nhuận lên trên yếu tố môi trường, an toàn cũng như sức khỏe của người dân, gây nên sự chia rẽ nội bộ, tâm lý thù địch gia tăng. Cuộc khủng hoảng biên giới chưa thể giải quyết được, lệnh bắt giữ những người trưởng thành vượt biên tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội, đã có những cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư cứng rắn. Uy tín của Tổng thống Trump bị suy giảm. Một cuộc khảo sát do ABC/Washington Post thực hiện cuối tháng 8 cho thấy, có tới 60% số người được hỏi cảm thấy không hài lòng, 53% nói họ bất mãn sâu sắc.
Tính toán của ông Trump đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào vòng xoáy nguy hiểm?
Ba là, Tổng thống Trump đánh mất niềm tin của đồng minh, uy tín của nước Mỹ ở khu vực và thế giới bị giảm sút. Hầu hết các đồng minh của Mỹ phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và từ chối chuyển đại sứ quán đến đây. Quyết định áp thuế suất với thép và với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico đã bị các đồng minh thân cận nhất đồng loạt công kích. EU đã kích hoạt “Đạo luật Ngăn chặn” để bảo vệ các công ty hoạt động tại Iran. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “sẵn sàng đi tìm đồng minh khác thay thế”.
Bốn là, chính sách mới của Tổng thống Trump dẫn đến hệ quả hình thành liên minh mới nổi chống lại Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, sẽ tìm cách thành lập một liên minh kinh tế với Iran, Nga, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Phía Nga cũng tuyên bố giảm đáng kể đầu tư vào tài sản của Mỹ nhằm đáp trả việc Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Iran đã chuyển hướng hợp tác với Nga và Trung Quốc về các vấn đề an ninh và thương mại.
Năm là, các điểm nóng trong khu vực và thế giới cho đến thời điểm này, chưa được giải quyết dứt điểm. Ở Khu vực Trung Đông, căng thẳng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai và gây mất ổn định toàn bộ khu vực. Tại Syria, Mỹ hậu thuẫn cho lực lượng người Kurd chống lại quân đội chính phủ (SAA) và cuộc không kích của liên quân làm cho tiến trình hòa bình thêm khó khăn. Bán đảo Triều Tiên cũng còn nhiều rủi ro. Mặc dù hai bên đã ký một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa song từ đó tới nay, không có tiến triển nào đáng kể.
Như vậy, sau hơn một năm rưỡi cầm quyền, Tổng thống Trump cũng đã đạt được thành công nhất định. Nhưng theo nhiều chuyên gia, cách tiếp cận này có thể không đem lại hiệu quả cho nước Mỹ như mong muốn. Và, trong dài hạn, Mỹ rất có thể phải đối diện với viễn cảnh bị cô lập vì quan điểm “nước Mỹ là trên hết” và những chính sách mới “khác lạ” của ông./.